Bứt phá để hoàn thành nông thôn mới

Bứt phá để hoàn thành nông thôn mới
Tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đến thời điểm này đã có 47/51 thôn được công nhận thôn văn hóa, 95% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; 8/12 xã có trạm y tế đạt chuẩn cấp quốc gia, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 66% (tăng hơn 23% so với năm 2012)...

Trước khi bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM), tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghề huyện của huyện Cam Lâm còn cao, đời sống sinh hoạt của nhân dân còn bấp bênh, giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn…

Toàn huyện hưởng ứng

Cam Lâm đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp huyện, Văn phòng điều phối NTM huyện; có 12/12 xã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM và 51 ban phát triển nông thôn. Đã có 12/12 xã được phê duyệt quy hoạch NTM, trong đó có 6 xã có quy hoạch chi tiết.

 

But pha de hoan thanh nong thon moi
Đường sá ở Cam Lâm trở nên khang trang từ khi xây dựng NTM.  Ảnh: Công Tâm
 
Phong trào xây dựng NTM đang có sức lan tỏa sâu rộng ở Cam Lâm, được nhân dân toàn huyện hưởng ứng. Đến cuối 2014, có 1 xã (Cam Hải Tây) được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM; ngoài ra, xã Cam Tân đạt 15/19 tiêu chí; xã Cam Hiệp Nam đạt 16/19 tiêu chí. Điểm sáng của toàn huyện là đã huy động được hơn 431,706 tỷ đồng để thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Trong đó, vốn huy động nhân dân đóng góp hơn 8,866 tỷ đồng, vốn tín dụng 236,267 tỷ đồng, vốn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp 1,109 tỷ đồng, vốn khác hơn 5,268 tỷ đồng. Nguồn vốn tập trung phần lớn cho phát triển hạ tầng nông thôn, xây dựng công trình thủy lợi, giao thông, trường học, nhà văn hóa trung tâm xã, nhà văn hóa thôn.

 

Huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện các kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất tăng thu nhập, phát triển ngành nghề nông thôn. Đồng thời triển khai chuyển giao các mô hình trình diễn giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, mở các lớp đào tạo, tập huấn hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phòng trừ dịch bệnh sâu hại trên cây trồng, vật nuôi, đối phó với hạn hán, thiên tai...

2 xã về đích năm 2015

Tỷ lệ hộ nghèo trung bình của 12 xã xây dựng NTM còn 5,06% (giảm 9,02% so với năm 2011), tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%. Các xã xây dựng NTM có tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa và bê tông hóa đạt 98,5%, tỷ lệ trung bình km đường trục thôn được cứng hóa đạt 79,8%, đường ngõ xóm được cứng hóa đạt 57,1% và đường nội đồng đạt 39,5%.

Huyện đã phối hợp với UBMTTQ các xã triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn liền với xây dựng NTM, từ đó đã tạo được sự chuyển biến nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về NTM. Ông Nguyễn Ta – Phó phòng NNPTNT huyện Cam Lâm, cho biết, thời gian tới, huyện tăng cường công tác vận động nguồn lực từ doanh nghiệp, huy động vốn tự đóng góp của người dân và cộng đồng, tập trung đầu tư cho 2 xã Cam Tân và Cam Hiệp Nam hoàn thành 19 tiêu chí trong năm 2015. Huyện tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức về xây dựng NTM; phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia xây dựng NTM; phát triển sản xuất gắn với tổ chức lại sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn; nâng cao thu nhập cho người dân.

Huyện Cam Lâm cũng chú trọng phát triển một số mô hình cây trồng, vật nuôi đang có hiệu quả, triển khai chương trình tưới nước tiết kiệm trên cây xoài vừa tiết kiệm được nước vừa tăng thu nhập cho người dân. 
Nguồn: danviet.vn