Buýt 'xây dựng' nông thôn mới

Đưa người dân ngoại thành tới gần hơn với trung tâm Thủ đô, giúp tiết kiệm chi phí đi lại, giảm ùn tắc giao thông, nâng cao đời sống văn hóa - xã hội… là những ưu thế mà xe buýt của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã và đang đem lại cho người dân tại nhiều vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội. Xe buýt đã dần trở nên quen thuộc với những người nông dân chân lấm tay bùn.
Nhân viên xe buýt Hà Nội giúp đỡ khách xuống xe tại tuyến Mê Linh. Ảnh: Hồng Vĩnh
San sẻ gánh nặng với người nghèo
 

Ba năm nay, Nguyễn Ngọc Anh (Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội, hiện đang là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đã coi tuyến xe buýt 17 (Long Biên– Sân bay Nội Bài) và tuyến 18 (Đại học Kinh tế Quốc dân – Long Biên) là đôi bạn “tri kỷ”. Ngọc Anh cho biết, ngay khi nhập học bố mẹ đã tính đến chuyện mua xe máy, rồi thuê nhà dưới trung tâm để em đi học cho thuận tiện. 

Tuy nhiên, sau một vài lần đi học bằng xe buýt, Ngọc Anh cảm nhận được sự thuận tiện, an toàn và điều quan trọng là xe buýt đã giúp giảm bớt gánh nặng tiền bạc cho gia đình. Bạn quyết định “kết duyên” lâu dài với xe buýt. Ngọc Anh chia sẻ: “Mặc dù phải dậy sớm nhưng do đã hình thành được thói quen nên không hề cảm thấy mệt mỏi”.

Với việc đi lại bằng xe buýt nên mỗi tháng, Ngọc Anh nhẩm tính mình đã tiết kiệm cho bố mẹ tới hai triệu đồng do không phải thuê nhà hay đổ xăng xe máy. Hiện rất nhiều các bạn học sinh, sinh viên tại xã Phù Lỗ và nhiều xã thuần nông ở huyện Sóc Sơn đã lựa chọn phương tiện xe buýt đi học. “Đi xe buýt là văn minh, và văn minh xe buýt đã gõ cửa từng gia đình, từng xóm làng rồi chứ không còn là câu chuyện của phố phường nữa”- Ngọc Anh nhận định.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Bích Vân (Đông Anh) vốn là nhân viên hành chính tại một công ty xây dựng trên phố Xuân Thủy. Trước đây vợ chồng chị cũng thuê nhà ở Cầu Giấy để ở. Chỉ tính riêng tiền nhà mỗi tháng hai vợ chồng đã mất 2,5 triệu đồng. Đến khi có con nhỏ vợ chồng quyết định chuyển về Đông Anh sống với bố mẹ chồng. “Sau khi sinh, đi làm mình để con ở với ông bà chăm và dùng xe buýt để sáng đi chiều về. Nhiều người nghĩ rằng đi lại như vậy sẽ rất mất thời gian và mệt. Nhưng đi rồi thấy cũng quen nên xin “chung thân” với buýt”- chị Vân nói. 

Không chỉ có người ngoại thành vào nội đô học tập, làm việc chọn xe buýt làm phương tiện đi lại, nhiều người trong nội đô ra làm việc ở ngoại thành cũng trở nên dễ dàng, tiết kiệm hơn nhờ có xe buýt. Chị Lê Thị Thơm nhà ở phố Trần Hưng Đạo nhưng chị chọn đi xe buýt số 35 (Trần Khánh Dư - Bệnh viện Mê Linh) để đi làm. “Đi xe buýt vừa an toàn, lại tiết kiệm hơn cả đi xe máy. Hơn nữa, vì mình đi làm từ sáng sớm nên lúc nào cũng có chỗ ngồi”- chị Thơm cho biết.

Xe buýt - Nhịp cầu phát triển nông thôn

Ông Nguyễn Thế Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, Ba Vì là huyện nằm cách trung tâm thành phố đến 50 - 60 km. Trước đây người dân muốn ra Thủ đô phải bắt xe khách, hoặc đi xe máy, vừa thiếu an toàn mà lại tốn kém nhiều. Nhưng hiện nay xe buýt đã là cầu nối của bà con, đi lại thuận tiện an toàn và tiết kiệm chi phí hơn. 

Theo đánh giá của Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội Đào Văn Bình, việc phát triển xe buýt ra vùng ngoại thành là chủ trương đúng đắn. Xe buýt không chỉ đơn thuần là phương tiện giao thông hữu ích mà giờ đây đang trở thành cầu nối phát triển kinh tế - xã hội giữa các quận nội thành với vùng nông thôn. “Xe buýt đang góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới, tiến tới thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế- xã hội giữa khu vực nội đô với ngoại thành”- ông Bình nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Thị xã Sơn Tây đều cho rằng các tuyến buýt số 20 Cầu Giấy- Phùng - Võng Xuyên - Sơn Tây đang góp phần “đô thị hóa” nông thôn. Chỉ ngồi trên xe buýt bồng bềnh ít phút, người nông dân Phúc Thọ đã có thể uống café sáng tại Bờ Hồ hay mua hàng tại chợ Long Biên. “Giờ đây có nhiều người dân Phúc Thọ lao động, buôn bán ở nội đô thay vì phải thuê nhà ở, thì nay họ cứ sáng đi, tối lại về. Rồi bà con đi khám bệnh, chữa bệnh hết sức thuận lợi. Đặc biệt là đối với trẻ em, người già và phụ nữ. Việc phát triển xe buýt chạy về các vùng quê là hết sức hữu ích”, ông Bình nói. 

Các tuyến buýt kế cận sẽ đưa người dân ngoại thành gần với trung tâm Hà Nội hơn. Ảnh: Hồng Vĩnh

Ông Nguyễn Đình Chiêu, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cũng nhìn nhận: “Trước đây, lượng xe máy tham gia giao thông trên đường rất lớn, gây ùn tắc, nguy cơ an toàn giao thông. Nhưng từ ngày có xe buýt, người già và trẻ em đi lại thuận tiện an toàn hơn rất nhiều”, ông Chiêu nói. Ông Chiêu cũng bày tỏ mong muốn thành phố tiếp tục quan tâm phát triển xe buýt đi về các huyện ngoại thành. Không chỉ giúp người dân đi lại thuận lợi, xe buýt chính là nhịp cầu đầu tư, nhịp cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, kết nối nội thành- ngoại thành! Lấp lánh trong bức tranh nông thôn đang ngày một thay da đổi thịt có sắc đỏ vàng của xe buýt.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết, việc phát triển xe buýt đến các huyện ngoại thành chính là một giải pháp hữu hiệu nhằm giảm ùn tắc cho khu vực nội thành. Số học sinh, sinh viên là con em các huyện ngoại thành lựa chọn đi xe buýt ngày càng nhiều là tín hiệu tích cực! 

Theo Transerco, trong năm 2014 đơn vị đã chủ động đề xuất hợp lý hóa lộ trình, điểm dừng đỗ phục vụ tổ chức giao thông cho 29 tuyến buýt. Đồng thời mở rộng phục vụ đến các khu vực Sơn Tây, Đặng Xá, Ecopark… Ông Nguyễn Thủy, Trưởng Trung tâm điều hành xe buýt Transerco cho biết, năm 2014, sản lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt ở các tuyến ngoại thành đều phát triển mạnh mẽ. Dự kiến năm 2015 nhiều tuyến buýt tiếp tục được thành phố Hà Nội mở rộng đến các vùng quê ngoại thành như: Đan Phượng, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì… Xe buýt đang từng ngày làm thay đổi nhiều vùng quê ngoại thành Hà Nội và thực sự là một nhân tố góp phần xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô.
 

 Xe buýt kết nối ngoại thành tăng trưởng cao

“Tuyến 06 Giáp Bát - Thường Tín - Cầu Giẽ, trong năm đã vận chuyển khoảng 19,5 triệu lượt hành khách, trong đó đi lại bằng vé tháng chiếm đến 90%. Tuyến 20 Cầu Giấy - Phùng - Võng Xuyên - Sơn Tây là 15,5 triệu lượt, vé tháng chiếm 88,6%; tuyến 17 Long Biên - Nội Bài là gần 13 triệu lượt khách, vé tháng chiếm 88%; tuyến 35 Trần Khánh Dư - Mê Linh là 7,4 triệu lượt hành khách, vé tháng chiếm 83,2%”.

Theo Transerco