Cà Mau: Hơn 10.000ha rừng tràm tắc “đầu ra”
- Thứ hai - 19/11/2012 21:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tình hình trên đã gây nhiều khó khăn cho nhà quản lý và ảnh hưởng trực tiếp tới hàng trăm hộ dân sinh sống trong rừng tràm.
Ông Nguyễn Văn Đấu - Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ cho biết, thông thường thì tràm tới tuổi là phải khai thác, sau đó tổ chức vệ sinh đất để tiếp tục trồng rừng mới. Thế nhưng 3 năm nay không khai thác được, do đó công tác trồng rừng cũng bị trở ngại. Tỉnh Cà Mau có 80.000ha đất rừng U Minh Hạ, trong đó có 38.000ha đất có cây rừng. Trong đó có vườn quốc gia với diện tích 8.000ha không được khai thác, còn lại các nơi khác khi cây rừng từ 7 năm tuổi trở lên thì tổ chức khai thác để trồng rừng mới.
Rưng tràm ở U Minh - Cà Mau. |
Trước đây, cây tràm phổ biến dùng để làm cừ trong xây dựng cơ bản với giá 50.000 đồng/cây, tràm khai thác không đủ cung cho thị trường. Nay trong xây dựng cơ bản dùng cừ bê tông cốt thép, cây tràm rớt giá còn 20.000 đồng/cây vẫn không có người mua. Có một nghịch lý là cây tràm ế ẩm, nhưng trồng rừng vẫn phải tiếp tục và theo kế hoạch thì năm 2012 sẽ trồng 2.000ha rừng mới.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đang tìm hướng đi cho cây tràm như kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ tràm để xuất khẩu, hạn chế phát triển trồng tràm mới, tổ chức trồng những cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế... Hiện có một số nhà đầu tư tới khảo sát để xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại chỗ nhưng từ khi đầu tư cho tới khi đi vào sản xuất cũng phải mất ít nhất từ 1-2 năm. Vì vậy, hiện nay bà con đang tổ chức trồng cây keo lai, cây ăn trái thay cho cây tràm, mang lại hiệu quả bước đầu.
Đăk Lăk trồng mới gần 15.000ha cao su và rừng
Triển khai 73 dự án trồng cao su, trồng rừng, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đã trồng mới được 14.930ha; trong đó có 7.235ha cao su, 7.695ha rừng kinh tế. Các dự án trồng cao su, trồng rừng trên có tổng nguồn đầu tư trên 733,4 tỷ đồng, chủ yếu là vốn tự có, vốn vay và liên doanh liên kết của các doanh nghiệp. Các dự án cũng đã thu hút được trên 2.800 lao động là đồng bào các dân tộc tại chỗ vào làm công nhân cho các doanh nghiệp.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đăk Lăk, các doanh nghiệp đã triển khai thực hiện các dự án đúng tiến độ, cây cao su, cây rừng được trồng sinh trưởng phát triển tốt. Sau khi có chủ mới quản lý, diện tích rừng và đất đã được quản lý bảo vệ tốt hơn, ngăn chặn đáng kể tình trạng xâm hại rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.
Ngoài ra, qua kiểm tra, rà soát, UBND tỉnh Đăk Lăk đã chấm dứt chủ trương khảo sát, lập dự án của 2 đơn vị, với diện tích 1.203 ha. Trong đó, có 1 dự án trồng rừng với diện tích 416ha; 1 dự án trồng cao su với diện tích 787ha. Tỉnh cũng và tạm dừng triển khai dự án của 15 đơn vị, với diện tích 11.264ha. Trong đó, có 6 dự án trồng rừng với diện tích 3.183ha; 7 dự án trồng cao su, với diện tích 6.912ha...
B.T.K
Trần Thành Nên