Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc xây dựng Nông thôn mới
- Thứ năm - 13/10/2016 04:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội nghị.
Là huyện tiêu biểu trong xây dựng NTM của tỉnh Bắc Giang, Lạng Giang hiện có 5/21 xã đã đạt chuẩn NTM. Trong 9 tháng đầu năm 2016, UBND huyện đã bám sát các nội dung nhiệm vụ trong Kế hoạch và sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo tỉnh tập trung lãnh đạo thực hiện được một số nội dung nổi bật.
Huyện đã xây dựng dự thảo đề án huyện NTM giai đoạn 2016-2020 với tổng nguồn vốn thực hiện đề án của 16 xã giai đoạn 2016-2020 là: 602.397,67 tỷ đồng. Toàn huyện triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa trên địa bàn 9 xã, với tổng diện tích 215 ha.
Trong đó, dồn điền, đổi thửa tập trung 192 ha, đổi thửa không tập trung là 23 ha. Huyện tiếp tục chỉ đạo xây dựng 7 cánh đồng mẫu đã được triển khai từ 2015 với tổng diện tích là 234,9 ha tại 6 xã với các giống lúa thử nghiệm đạt năng suất cao, phát triển tốt như: Giống lúa Thiên ưu, giống lúa Nhật.
Đến nay, số tiêu chí bình quân đạt được của các xã trên địa bàn huyện là: 14,3 tiêu chí/xã. Riêng 16 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 13 tiêu chí/xã. Các tiêu chí nông thôn mới các xã đã thực hiện đạt chuẩn được giữ vững.
Đồng thời, từ đầu năm 2016 đến nay các xã này tiếp tục đầu tư kinh phí nâng cao các tiêu chí về giao thông, thủy lợi và môi trường.
Tuy nhiên, việc xây dựng NTM trên địa bàn huyện vẫn còn một số bất cập như cấp ủy, chính quyền, Ban quản lý xây dựng NTM ở một số xã chưa có sự tập trung cao trong công tác lãnh chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình.
Nhiều công trình xây dựng nông thôn mới năm 2016 triển khai chậm so với kế hoạch, đặc biệt vấn đề về môi trường vẫn chưa được khắc phục. Một số xã chưa tích cực chủ động trong việc huy động nguồn vốn để triển khai thực hiện xây dựng NTM của địa phương, hiện số nợ đọng tại các xã là 23 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện dồn điền đổi thửa năm 2016 chậm so với kế hoạch đề ra.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh hoan nghênh huyện Lạng Giang đã có những kế hoạch cụ thể, chủ động trong việc định hướng thực hiện trong nhân dân, vận động để nhân dân hiểu được ý nghĩa của chương trình mục tiêu quốc gia nhằm cải thiện đời sống người dân đạt hiệu quả cao.
Từ những kết quả đạt được, vai trò trách nhiệm của Ban chỉ đạo được thể hiện rõ nét hơn: xây dựng được hạ tầng kinh tế, tổ chức sản xuất nâng cao thu nhập người dân, cải thiện môi trường, không gian sinh sống của người dân.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng trăn trở về vấn đề môi trường tại địa phương. Đây là một vấn đề nan giải trong việc xây dựng nông thôn mới, chính vì vậy mà chính quyền cần đưa ra lộ trình, mục tiêu hành động, định hướng phát triển cụ thể.
“Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm hoàn thiện 19 tiêu chí theo lộ trình đến năm 2020”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, hàng năm phải tăng cường kiểm tra, đánh giá dựa trên các tiêu chí đã đề ra và tiếp tục đưa ra định hướng để duy trì chuẩn nông thôn mới.
Đối với các xã đang triển khai, huyện cần phải đưa ra những quy hoạch phù hợp, đảm bảo ưu tiên phát triển sản xuất và các công trình phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương. Đặc biệt chú ý tới xu hướng đô thị hóa với những xã giáp thành phố.
“Đối với việc xét xã xây dựng nông thôn mới, phải có sự tham gia của MTTQ và các tổ chức thành viên, cùng với đó phải có kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân trong xã. Quy trình đánh giá phải chặt chẽ hơn, tránh chạy theo thành tích”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị.
Theo: Ngân Hà/daidoanket.vn