Cả hệ thống chung tay xây dựng nông thôn mới

Ông Sơn Sang ở ấp Trà Ông hiến đất làm đường giao thôn nông thôn.

Ông Sơn Sang ở ấp Trà Ông hiến đất làm đường giao thôn nông thôn.

Không chỉ nỗ lực phát triển sản xuất để tăng thu nhập kinh tế gia đình, bà con còn tích cực chung tay, góp sức cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới.

Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, nhiều bà con Khmer ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đã có ý thức phấn đấu tự vươn lên trong cuộc sống. Không chỉ nỗ lực phát triển sản xuất để tăng thu nhập kinh tế gia đình, bà con còn tích cực chung tay, góp sức cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới.

Dịp chúng tôi về lại vùng quê xã Viên Bình, dọc theo những con đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, có thể cảm nhận ngay niềm vui trúng mùa vụ lúa Đông Xuân, cùng không khí nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của bà con nơi đây. Viên Bình là xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm trên 60% dân số toàn xã.

Ông Thạch Tập, ở ấp Trà Ông, xã Viên Bình, cho biết: “Hiện nay, ấp đã có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; đường giao thông được tráng nhựa nối liền phum sóc, nên vào những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây ở đây giờ vui lắm”.

Qua phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, bà con vùng có đông đồng bào Khmer này đã tình nguyện hiến đất đai, hoa màu và ngày công… để cùng Nhà nước xây dựng quê hương, như vận động chùa hiến đất xây dựng trường mẫu giáo; nhân dân trong ấp góp kinh phí hàng chục triệu đồng để làm đường…

Nhờ đó, hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng lên, đời sống nông thôn được cải thiện rõ nét, tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt, nét đẹp văn hóa được bảo tồn và phát huy…

 
 
Được các vị đại đức, Ban quản trị chùa và phật tử hiến đất, xã Viên Bình đã xây dựng được trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia

  Đến nay toàn xã xây dựng được nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, trong đó có 50% là đường bê tông, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện cả hai mùa mưa nắng và đặc biệt là với sự đóng của người dân đã xây dựng được trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia. 

Ông Sơn Sang – Phó Bí thư ấp Trà Ông, cho biết: “Sau khi được tuyên truyền, vận động, tôi và nhiều bà con ở đây đã tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông cho việc đi lại dễ dàng, con cháu học hành cũng thuận tiện”.

Ông Kim Rong – Trưởng Ban Nhân dân ấp Trà Ông, cho biết: “Hiện nay, 100% diện tích lúa được sản xuất 2 vụ với chủ yếu là những giống đặc sản có năng suất, chất lượng và giá trị cao. Mô hình chăn nuôi cũng có sự phát triển, tinh thần đoàn kết hỗ trợ nhau trong sản xuất, đời sống trong cộng đồng dân cư ngày càng lan tỏa”.

Ông Dương Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Viên Bình, cho biết: “Những năm gần đây, nhờ được triển khai nhiều chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, nên sản xuất của người dân Khmer trong xã ngày càng hiệu quả hơn. Hiện nay, xã có trên 90% hộ dân tộc Khmer có điện lưới quốc gia, nước sạch sinh hoạt và xây dựng được hàng chục cây số đường nông thôn”.

Những ai xa quê, có dịp một lần trở về làng quê nông thôn xã Lịch Hội Thượng, chạy xe trên đường láng nhựa, bê tông êm ru, hẳn sẽ bất ngờ với những đổi thay về diện mạo của xã nông thôn mới có đông bào Khmer này.

Bây giờ hai bên đường không còn ngôi nhà lá mà thay vào đó là những ngôi nhà khang trang, những biệt thự sang trọng, và những hộ được xem là nghèo cũng là nhà cột bê tông, lót gạch men, lợp tôn với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt. Đó là kết quả từ chủ trương xây dựng nông thôn mới hợp lòng dân và ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân Khmer nơi đây.

Chị Dương Thị Bình, đã từng là hộ Khmer nghèo của ấp Nam Chánh, cho biết: "Từ khi được Nhà nước hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp, tôi đầu tư vào trồng hành tím và luôn gặp may trúng mùa được giá, nên cũng có dư mướn thêm đất để mở rộng diện tích trồng rẫy.

Sau này, tôi còn được Nhà nước hỗ trợ cho vay mở sạp nhỏ để bán rau cải, thực phẩm tại nhà, nên đến nay, gia đình tôi được thoát nghèo và cất được căn nhà trị giá gần 100 triệu đồng. Mấy năm nay, vào dịp lễ, tết nói chung, và Tết Chôl Chnăm Thmây nói riêng, gia đình tôi đều có những ngày sum họp ấm cúng, vui vẻ và cũng khá sung túc”.

 

Gia đình chị Dương Thị Bình ở ấp Nam Chánh đã thoát nghèo và xây được ngôi nhà khang trang  

Ông Nguyễn Văn Mẫm - Chủ tịch UBND xã Lịch Hội Thượng, cho biết: “Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thời gian qua địa phương cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề, mua công cụ để hỗ trợ bà con Khmer nghèo sản xuất, nên cuộc sống của bà con Khmer nơi đây giờ đã khá hơn nhiều”.

Với những đổi thay trên địa bàn huyện hôm nay đã minh chứng cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Khmer và ngược lại, đồng bào Khmer đã cùng chung tay góp sức với chính quyền để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đời sống vật chất tinh thần ngày càng phát triển, theo đúng mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới.


 
Theo Tuyết Xuân/nongnghiep.vn