Cá mú rớt giá - người nuôi lao đao

Từ đầu năm 2012 đến nay, thời tiết rất thuận lợi nên cá mú lồng nuôi trên đảo Phú Quý không bị dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển rất tốt, sản lượng đến thời điểm thu hoạch rất lớn.
 

Các chủ lồng bè, ai ai cũng thấy phấn khởi và thầm nghĩ sẽ có một vụ mùa bội thu. Thế nhưng, điệp khúc cá mú lồng rớt giá tiếp tục ám ảnh những người nuôi cá mú lồng trên đảo Phú Quý.
 
1

Anh Trần Văn Thiện, thôn Đông Hải, xã Long Hải - một người có thâm niên nuôi cá mú lồng cho biết, trong năm 2012, gia đình anh có 55 ô lồng bè với diện tích 500m2 mặt nước. Anh thả nuôi 5.500 con cá mú, trong đó 3.500 con cá mú đỏ và 2.000 con cá mú cọp, và vào thời điểm này đã đến mùa thu hoạch. Anh Thiện nhẩm tính, nếu giá cá mú đỏ loại 1, xuất khẩu ở mức 540.000 đồng/kg và cá mú cọp ở mức 420.000 đồng/kg như hồi đầu năm thì năm nay anh lãi khoảng 200 triệu đồng. Thế nhưng trong vài tháng trở lại đây, giá cá mú đỏ xuất khẩu giảm xuống còn 360.000 đồng/kg và cá mú cọp 270.000 đồng/kg, nếu bán hết 5.500 con cá vào thời điểm này thì gia đình lỗ khoảng 200 triệu đồng. Vì thế, anh kiên quyết không bán cá vào thời điểm này mà để cá lại tiếp tục nuôi chờ tăng giá. Quyết định để cá lại nuôi của anh Thiện như “một canh bạc” vì đang vấp phải bài toán lấy đâu ra tiền để mua thức ăn cho cá. Mặt khác, kéo dài thời gian nuôi thì trọng lượng của cá lại tăng lên. Thường nếu vượt quá 1kg/con thì bị thương lái đưa xuống hàng loại 2, lúc này giá cá mú đỏ xuất khẩu giảm xuống còn 230.000 đồng/kg và cá mú cọp 160.000 đồng/kg, mức lỗ có thể còn tăng thêm.

Trước tình trạng giá cá mú xuất khẩu liên tục sụt giảm, để có tiền mua thức ăn cho cá, các hộ nuôi cá mú chọn cách tìm những con cá có trọng lượng trên 1 kg bán cho các thương lái chuyên thu mua để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn ở Phan Thiết, TP.HCM, Vũng Tàu… Khó khăn chưa dừng lại ở đó, thời điểm từ nay đến cuối năm, giá cá tạp dùng làm thức ăn cho cá mú liên tục tăng cao và dao động từ 15.000 - 30.000 đồng/kg. Hơn thế, nhiều lúc biển động người nuôi cá mú phải nhờ người quen mua cá tạp từ Phan Thiết ra làm chi phí tăng thêm. Mặt khác, thời điểm này đang mùa gió đông bắc thường xuyên thổi mạnh, xuất hiện bão, gây sóng to, gió lớn ven bờ làm hư hỏng lồng bè, môi trường nước thiếu ổn định dẫn đến cá mú bị nhiễm bệnh và chết nhiều nhất trong năm.

Hiện nay, không riêng gì anh Thiện mà tất cả các chủ lồng bè trên huyện Phú Quý đều rơi vào tình cảnh khó khăn, thấp thỏm lo âu chờ tăng giá. Nếu từ nay đến Tết Nguyên đán 2013, giá cá mú xuất khẩu không tăng trở lại như thời điểm đầu năm 2012, thì các hộ nuôi cá mú ở Phú Quý sẽ khó có khả năng thu hồi vốn để tiếp tục tái đầu tư cho vụ mùa sắp tới, thậm chí nhiều hộ còn lâm vào cảnh nợ nần.

Tường Vi
Theo baobinhthuan.com.vn