Cả nước có 4.665 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Cả nước có 4.665 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Sáng 19/10, tại tỉnh Nam Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
Quang cảnhhội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2021; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các nhà khoa học; các điển hình tiên tiến trong xây dựng xây dựng nông thôn mới,...

Các đại biểu dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nêu rõ: Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt nguồn từ Nghị quyết số 26 của Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn".

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khai mạc hội nghị.

Ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; đồng thời, phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để tuyên truyền, vận động, huy động các cấp, ngành, thành phần trong xã hội và nhân dân cả nước chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, cả nước có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 8 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ); 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình hoàn thành trước gần 2 năm so với chỉ tiêu đề ra.

Thủ tưởng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành trung ương, địa phương từ tỉnh đến cơ sở tham luận làm rõ những kết quả đạt, bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới và khó khăn, hạn chế, vướng mắc, đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị trong tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới. Rất nhiều bài học kinh nghiệm, nhiều kiến nghị đề xuất mới tại từ hội nghị là bài học quý cho thời gian tiếp theo. Thủ tướng trích dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nông dân giàu thì nước ta mạnh" và cho rằng nhận thức đó là một hệ thống, nhưng mỗi giai đoạn Đảng và Nhà nước ta vận dụng theo thực tế. Nội dung quan trọng nhất của xây dựng nông thôn mới là sản xuất phải đi liền với nâng cao đời sống; phải xây dựng tổng thể trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, trật tự, an ninh xã hội…; trong đó, chỉ tiêu quan trọng nhất là đến năm 2020, có 50% số xã phải đạt chuẩn nông thôn mới.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ: Quá trình xây dựng nông thôn mới còn nhưng tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa chỉ đạo sâu sát, chưa phân bổ nguồn lực cho sự phát triển cân bằng; nguồn lực từ ngân sách chiếm tỷ lệ còn nhỏ, chưa tạo nên nhân tố thúc đẩy, đặc biệt là những vùng khó khăn. Các chỉ tiêu phát triển sản xuất chưa có kết quả đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng; xảy ra khiếu kiện trong dân... Hiện tượng phai nhạt văn hóa, tình làng nghĩa xóm, tình trạng mất trật tự an toàn xã hội vẫn xảy ra ở một số địa phương. Ở nông thôn còn nhiều rác, nhất là rác thải nhựa, nguồn nước bị ô nhiễm; do đó, thời gian tới phải làm quyết liệt hơn, sâu sát hơn. Phải phát huy kinh nghiệm và thuận lợi của 10 năm qua để đề ra phương hướng nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong thời gian tiếp theo và tận dụng tối đa cơ hội để phát triển, phải sáng tạo để biến nguy cơ thành thuận lợi.

Bên cạnh đó, các địa phương phải đi tiên phong để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, xây dựng vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc và đáng sống. Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới không chỉ ở đồng bằng, mà cả ở miền núi, xã đảo, vùng sâu, vùng xa để người dân được hưởng lợi. Trong 5 năm tới, nhóm đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2010 - 2020 cần phải đề ra mục tiêu cao hơn để không ngừng xây dựng những miền quê đáng sống.

Theo LCĐT/Laocai.gov.vn