Các địa phương phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
- Thứ năm - 28/11/2019 17:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa |
Đây cũng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta đã được tỉnh Tiền Giang cụ thể hóa qua việc khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trong thời gian qua. Đáng chú ý, từ năm 2013, tỉnh đã triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển cánh đồng lớn gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt 4 phương án cánh đồng lớn của các doanh nghiệp/hợp tác xã. Tính trong giai đoạn từ năm 2013 - 2018, trên địa bàn tỉnh An Giang có 23 đơn vị gồm: Công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, đại lý, cơ sở xay xát... tham gia liên kết tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với 16 hợp tác xã, 25 tổ hợp tác hoặc tổ sản xuất trên địa bàn 9 huyện, thị theo các phương thức có đầu tư đầu vào gắn với tiêu thụ đầu ra hoặc thu mua lúa cuối vụ thu hoạch,… trên tổng diện tích 28.432 ha gieo trồng lúa và 30.964 nông hộ tham gia.
Thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như hỗ trợ tư vấn liên kết; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; đào tạo nghề; hỗ trợ về giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới theo mô hình ứng dụng công nghệ cao...
Đối tượng được hưởng lợi từ chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là nông dân, chủ trang trại, người được ủy quyền đối với hộ nông dân, tổ hợp tác; cá nhân, người được ủy quyền đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; doanh nghiệp; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển, hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Việc có thêm những chính sách mới với quy định cụ thể nhằm khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là hết sức cần thiết, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đời sống, đồng thời cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà các bên đối tác đều được hưởng lợi, trực tiếp là nông dân. Thông qua đó, tạo kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật nông nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 để giành những vụ mùa bội thu, vừa tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cung ứng thị trường.
Thời gian qua, nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai đã hình thành, giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng cây trồng và từng bước nâng cao thu nhập. Ðây cũng là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp (DN) tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản đến với thị trường thế giới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðồng Nai, trên địa bàn hiện có 120 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Trong đó, có 16 chuỗi liên kết theo dự án cánh đồng lớn với 28 DN, HTX tham gia, tổng diện tích 5.521 ha; hơn 100 chuỗi liên kết giữa DN, HTX, người dân thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Khi tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Nhà nước hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, DN. Từ đó, năng suất cây trồng tăng từ 30% đến 100% so với trước, sản phẩm của nông dân bán giá cao hơn thị trường, đời sống được nâng lên.
Ðể khuyến khích liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển bền vững, tỉnh Ðồng Nai đã quy định cụ thể chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, với mức hỗ trợ xây dựng hạ tầng tối đa 10 tỷ đồng/dự án. UBND tỉnh Ðồng Nai cũng quy định khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng lớn. Thông qua các chính sách hỗ trợ đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Trên địa bàn đã hình thành nhiều khu sản xuất tập trung cho các loại cây trồng, như: hơn 34.000 ha điều, 19.000 ha cà phê, 10.000 ha xoài, 9.000 ha tiêu,... Ðồng Nai cũng đứng đầu cả nước với hơn 3.800 trang trại chăn nuôi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðồng Nai cho biết, tỉnh đang lựa chọn sản phẩm nông nghiệp có lợi thế để tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất với quy mô lớn, bảo đảm chất lượng gắn với thị trường thông qua hợp đồng, đồng thời mời gọi các DN tham gia thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là các DN chế biến sâu.
Trước mắt, từ nay đến năm 2020, Ðồng Nai mời gọi các DN tham gia xây dựng 52 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thành phố Long Khánh và 7 huyện trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ 558 tỷ đồng. Trong đó, 46 dự án liên kết thuộc lĩnh vực trồng trọt với diện tích 3.389 ha cho 5 nhóm cây trồng, 5 dự án liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi và 1 dự án liên kết trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Ðể đẩy mạnh liên kết phát triển bền vững nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh cho nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân, UBND tỉnh Ðồng Nai xây dựng một loạt các đề án, như: nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế; phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế tây nam của tỉnh Ðồng Nai. Ngoài ra, thực hiện chủ trương phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, giải quyết việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản theo hướng chế biến sâu, bền vững.
Hướng đi phù hợp đối với Ðồng Nai trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực là tập trung vào công nghiệp chế biến. Hiện nay, điều quan trọng là phải cạnh tranh bằng việc áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và chế biến. Với những lợi thế sẵn có, Ðồng Nai phấn đấu lấy nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến theo hướng xuất khẩu làm mũi nhọn. Với hướng đi này, nông sản Ðồng Nai sẽ không cạnh tranh bằng giá rẻ mà sẽ cạnh tranh bằng sản phẩm chất lượng cao.
Khi triển khai hiệu quả các mô hình liên kết, nông dân chẳng những có thể yên tâm đầu ra mà còn nâng cao thu nhập khi giá trị nông sản tăng lên. Tuy nhiên, liên kết không được nóng vội mà cần có sự tham gia tích cực của các bên nhằm đảm bảo tính bền vững.
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội rất quan tâm phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Thành phố đã xây dựng, phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi như vùng trồng rau an toàn có diện tích hơn 5.000 ha, 76 xã chăn nuôi trọng điểm với hơn 3.800 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 23 cơ sở giết mổ bán công nghiệp.
Ðến nay, trên địa bàn Thành phố đã hình thành 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân tham gia; đồng thời xây dựng được 40 nhãn hiệu hàng hóa tập thể như gà đồi Ba Vì, gà mía Sơn Tây, vịt Vân Ðình, nhãn Ðại Thành, gạo thơm Bối Khê… Các chuỗi liên kết đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản là xu thế phát triển tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuyên canh tập trung. Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo đảm phát triển bền vững, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với lĩnh vực có thế mạnh như trồng rau, trồng cây ăn quả đặc sản, sản xuất giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tiếp tục mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tổ chức các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến đầu tư quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ nông dân, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Tổ chức đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn. Ðẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, chứng nhận chất lượng nông sản.
Theo Minh Hiển/chinhphu.vn