Các tiêu chí nông thôn mới phải luôn được nâng cao

Ngày 25/11, Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã họp, cho ý kiến về kế hoạch xây dựng nông thôn mới tới năm 2020 và điều chỉnh, bổ sung hướng dẫn liên quan đến bộ Tiêu chí nông thôn mới.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Chương trình xây dựng nông thôn mới trong lần khảo sát tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà. Ảnh: VGP/Thành Chung

Cuộc họp do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng nông thôn mới chủ trì.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, tính tới tháng 9/2014 cả nước đã có 512 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới (chiếm 5,8% tổng số xã trên cả nước). Con số này tăng gấp 2,7 lần so với thời điểm sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình hồi tháng 5 vừa rồi.

Cũng theo ông Nam, đến hết năm nay sẽ có 785 xã đạt chuẩn, chiếm 8,8% tổng số xã với bình quân mỗi xã đạt 10 tiêu chí, tăng 5,38 tiêu chí so với năm 2010, lúc bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, đặc biệt sẽ không còn xã “trắng” tiêu chí.

Các thành viên Ban Thường trực và Cố vấn của Chương trình bày tỏ tin tưởng vào việc xây dựng thành công nông thôn mới trên cả nước.
 
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, kết quả đạt được là nhờ quyết tâm và cách làm sáng tạo của các cấp uỷ, chính quyền và người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Bộ NN&PTNT dự kiến tới năm 2015 sẽ có ít nhất 17% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới, so với chỉ tiêu đề ra là 20%; tới năm 2020, có khoảng 50% số xã đạt chuẩn. Còn khoảng 9.000 xã của cả nước nói chung, cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn như giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá; thu nhập người dân tăng 2,5 lần, bình quân mỗi xã đạt 15 tiêu chí, không có xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT đề ra 6 nhiệm vụ ưu tiên, gồm: Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn thôn; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho cư dân; tập trung giải quyết vấn đề bức xúc môi trường nông thôn; xây dựng đời sống văn hoá; giữ vững an ninh trật tự xã hội; nâng cao hiệu quả đào tạo đội ngũ cán bộ thực thi.

Tại cuộc họp, ông Trần Thanh Nam cũng nêu vấn đề một số địa phương đã đăng ký hoàn thành nông thôn mới ở cấp huyện và đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo sớm có hướng dẫn cho vấn đề này.

Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng: “Khi ngày càng nhiều xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới nhưng không phải thế là dừng lại mà cần duy trì và nâng cao hơn yêu cầu của các tiêu chí này. Sau 10 năm, 20 năm nữa thì các tiêu chí này vẫn được duy trì và phát triển”.

Phó Thủ tướng chỉ đạo phải giải quyết vấn đề cấp bách và lâu dài là môi trường nông thôn đang bị đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ, sinh hoạt của người dân; phát triển mô hình sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất ở nông nghiệp-nông thôn; giữ gìn văn hoá, bản sắc nông thôn ở mỗi vùng miền; cân đối nguồn lực đầu tư vào nông thôn nhưng với khu vực miền núi khó khăn thì nguồn lực của Nhà nước đầu tư vẫn là hàng đầu.

Trước đòi hỏi thực tế ở cấp huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, Bộ Xây dựng nghiên cứu Quy hoạch xây dựng và hướng dẫn các địa phương thực hiện, đảm bảo tính liên kết hạ tầng trong huyện, tránh lãng phí, tốn kém…

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị Ban Chỉ đạo đưa vấn đề tín dụng không chỉ cho nông thôn mới mà cả sản xuất nông nghiệp, nông thôn… để thảo luận, kiến nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện. Theo đó, nguồn lực cho nông thôn mới không chỉ phụ thuộc vào vốn ngân sách Nhà nước mà phải từ nguồn tín dụng, đảm bảo nông thôn mới là chương trình của dân, vì dân…

Thành Chung
Theo chinhphu.vn