Các xã đạt chuẩn nông thôn mới: Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt
- Chủ nhật - 04/10/2015 00:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tháng 2-2015, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, không có tiêu chí nào được đánh giá là “non” so với tiêu chuẩn song lãnh đạo xã luôn trăn trở các giải pháp để giữ vững và nâng cao hơn các tiêu chí này. Đồng chí Đỗ Văn Dậu, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Không phải đạt chuẩn là kết thúc, là tự bằng lòng mà cấp ủy xã đã chỉ đạo chính quyền thường xuyên rà soát, đánh giá các tiêu chí, nhất là những tiêu chí có khả năng biến động như: Thu nhập bình quân đầu người, môi trường, giao thông, cơ sở vật chất giáo dục...”. Trong đó, tiêu chí nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Xã phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 30 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, trong xã có nhiều hộ đã phát triển chăn nuôi gà với quy mô từ 500 con trở lên. Mở rộng và nâng cao năng suất, chất lượng chè cũng là giải pháp xã hướng đến. Xã đã tích cực vận động nhân dân sử dụng đất vườn tạp, thậm chí chuyển đổi đất lúa 1 vụ năng suất kém sang trồng các giống chè mới như Kim Tuyên, Bát Tiên... quy hoạch 50 ha diện tích lúa thâm canh tại thôn Ngòi và thôn Đầu Núi để tiến tới nhân rộng ra các thôn khác. Cùng với đó, việc xây dựng thương hiệu gà thịt cũng đang được xã xúc tiến và xin ý kiến của cấp trên nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại.
Tân Trào (Sơn Dương) cũng là xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, các tiêu chí nông thôn mới ở đây vẫn đang tiếp tục được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã quyết tâm giữ vững. Theo đồng chí Trần Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã, trong giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã quan tâm nhất đến 4 việc đó là nâng cao mức sống cho người dân, xây dựng môi trường trong sạch, phát triển kinh tế du lịch và đảm bảo an ninh trật tự. Là xã thuần nông, trong khi đó, tiềm năng phát triển du lịch rất lớn; Tân Trào cũng là xã nằm ở trung tâm, giáp ranh với các xã ATK khác nên việc xác định 4 tiêu chí trên là phù hợp. Việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, trồng ngô đông cũng không còn là câu chuyện mới ở Tân Trào. Vụ đông năm nay là năm thứ 2 người dân Tân Trào trồng ngô trên diện tích lớn. Hiện, diện tích mà nhân dân đăng ký trồng ngô đông đã lên tới 50 ha. UBND xã đã làm việc với Công ty TNHH Sữa cho tương lai đảm bảo thu mua toàn bộ ngô thức ăn gia súc.
Trường mầm non Đình Bằng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) được xây dựng khang trang từ công tác xã hội hóa của địa phương. |
Đối với các dự án trồng cây ăn quả, chăn nuôi của chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tư, xã Tân Trào giao cho cán bộ phụ trách các thôn, các trưởng thôn đẩy mạnh tuyên truyền tới các hộ dân đầu tư chăm sóc một cách hiệu quả. Xã cũng đang trình huyện, tỉnh cho ý kiến vào đề án phát triển xe điện phục vụ khách tham quan. Đồng thời xã cũng đã hoàn thành đề án thành lập tổ dịch vụ môi trường trình UBND huyện. Đối với tiêu chí an ninh trật tự, việc đạt được đã khó nhưng giữ được lại khó hơn. UBND xã Tân Trào đã chỉ đạo lực lượng công an xã phải thường xuyên phối hợp với công an huyện và công an viên các xã lân cận làm tốt công tác tuần tra, nhất là tuần tra, giải tỏa và xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông tại khu vực chợ trung tâm xã.
Xã An Khang (thành phố Tuyên Quang) bên cạnh việc giữ vững một số tiêu chí như giao thông, môi trường, văn hóa, hệ thống chính trị xã hội, xã đã đề ra các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT, phấn đấu đến năm 2020, 100% người dân tham gia BHYT bởi hiện nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở đây mới đạt 70%.
Việc duy trì, giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới lên tầm cao hơn đã khẳng định rằng xây dựng nông thôn mới là một quá trình liên tục, thường xuyên. Bởi mục đích mà chương trình mang lại chính là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn.