Cách làm ở Bình Dương

Cách làm ở Bình Dương
Với sự quan tâm, tập trung đầu tư của các cấp, ngành, tỉnh, huyện và sự nỗ lực của Đảng uỷ, chính quyền địa phương, Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương được hình thành và đi vào hoạt động hiệu quả từ năm 2010 đến nay. Đây là một trong những đơn vị điển hình trong hệ thống các Trung tâm Văn hoá - Thể thao (TTVH-TT) cấp cơ sở hoạt động rất có hiệu quả.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phối hợp các ngành, các cấp trong tỉnh chỉ đạo, đầu tư xây dựng mô hình thiết chế văn hoá - thể thao cấp xã  với mục tiêu tạo điều kiện về cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị... cho các hoạt động. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng cho biết: “Minh Hoà là xã vùng sâu, vùng xa nên dịch vụ giải trí cho nhân dân còn nhiều hạn chế. TTVH-TT được sửa chữa, xây mới đã góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giải trí của người dân; đồng thời, giúp người dân có nơi rèn luyện sức khoẻ, giao lưu, sinh hoạt để hiểu và gần nhau hơn. Từ đó, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương là một mô hình điểm cần nhân rộng.
Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương là một mô hình điểm cần nhân rộng.

TTVH-TT xã Minh Hoà được đầu tư xây dựng mới vào tháng 10-2010, với tổng diện tích 20.000m2.  Xác định vai trò quan trọng là nơi tuyên truyền chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến nhân dân, Trung tâm đã xây dựng hội trường lớn với 150 chỗ ngồi để người dân có đủ chỗ dự các cuộc họp do xã tổ chức. Ngoài ra, Trung tâm còn xây dựng các phòng chức năng như: Phòng đọc sách, phòng internet... để mọi người có điều kiện tìm hiểu thêm về khoa học kỹ thuật, cập nhật tin tức mới. Với thiết kế xây dựng mở, Trung tâm đã xây dựng 1 sân bóng chuyền, 2 sân cầu lông, 1 sân bóng đá, 1 sân khấu ngoài trời, 1 khu vui chơi cho trẻ em... tạo nên sân chơi lành mạnh, vui, bổ ích cho tất cả các tầng lớp nhân dân. Các trang thiết bị cũng được đầu tư mua sắm mới  từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia như: Tivi, loa, micro, bộ phân tầng xử lý âm thanh…

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động mang lại hiệu quả cao như: Thành lập các CLB: Teakwondo, Đờn ca tài tử, bóng đá… Qua đó đã đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn nghệ, thể thao của người dân. Năm 2012, Trung tâm đã phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức hội thi “Thanh niên duyên dáng” thu hút được 2.500 người dân. Phòng đọc thu hút hơn 600 độc giả đến đọc sách và gần 300 độc giả mượn sách về nghiên cứu... Trong công tác thể dục - thể thao, Trung tâm thu hút khoảng 3.600 lượt người đến chơi bóng chuyền, 4.000 lượt người đến chơi bóng đá.  Khu vui chơi, giải trí dành cho thiếu nhi thu hút khoảng 2.200 lượt cháu.

Có thể nói, ngoài việc là địa điểm vui chơi giải trí lành mạnh và bổ ích cho mọi người, các hoạt động của Trung tâm đã góp phần làm tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Người dân đã có ý thức hơn trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy hiệu quả của TTVH-TT, và để Trung tâm trở thành “ngôi nhà” chung của người dân, các cấp uỷ, chính quyền cần phải có biện pháp bổ sung thêm đội ngũ cán bộ phụ trách văn hoá được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm. Ngoài ra, để Trung tâm gần gũi, là cầu nối gắn kết người dân trong xã, TTVH-TT xã sẽ duy trì, mở thêm CLB thể hình và thường xuyên tổ chức các chương trình văn nghệ, thể thao phục vụ người dân…

Lưu Linh
(Theo Bình Dương online)