Cải cách hành chính công tác kiểm soát chi qua kho bạc
- Thứ tư - 29/05/2019 21:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cải cách mạnh mẽ công tác kiểm soát chi thường xuyên
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Giám đốc KBNN cho biết, năm 2019, KBNN gấp rút hoàn thành các nội dung thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 138/2007/QĐ - TTg ngày 21/8/2007. Đây cũng là năm KBNN đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng đến Kho bạc điện tử năm 2020. Công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hoạt động kho bạc được quan tâm trên tất cả các lĩnh vực, trong đó công tác kiểm soát chi là một trong những công tác được đặc biệt quan tâm vì công tác này liên quan tới các tổ chức chính trị xã hội và các đơn vị hành chính sự nghiệp.
Ông Ngô Chí Tùng – Phó Chánh văn phòng Bộ Tài chính cùng ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Giám đốc KBNN đồng chủ trì họp báo
Báo cáo kết quả thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN gắn với cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hoạt động KBNN, ông Trần Mạnh Hà – Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi của KBNN cho biết, trong những năm qua, hệ thống KBNN đã đạt được những kết quả tích cực trong việc đổi mới và tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát chi NSNN.
Theo đó, ông Hà cho biết, đối với công tác kiểm soát chi thường xuyên, KBNN đã tổ chức thực hiện việc kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN hướng tới thông lệ quốc tế, góp phần nâng cao kỷ luật tài chính tại các đơn vị và góp phần ngăn chặn tình trạng nợ đọng trong thanh toán.
Toàn cảnh buổi họp báo
Thứ hai, KBNN đã đổi mới công tác quản lý, kiểm soát chi trên cơ sở xây dựng cơ chế, quy trình quản lý, kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN cho phù hợp với thông lệ quốc tế để vận hành hệ thống TABMIS. KBNN đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát chi NSNN qua KBNN theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tài chính, cơ quan chủ quản, các đơn vị sử dụng NSNN. Thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách tự chịu trách nhiệm về quyết định chi của mình, đảm bảo các khoản chi phải đúng chế độ, tiêu chuẩn và mức chi trong phạm vi dự toán chi ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, chịu trách nhiệm về việc áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn.
Điểm đáng chú ý là hệ thống KBNN đã bước đầu thực hiện kiểm soát chi theo ngưỡng chi đối với các khoản chi nhỏ lẻ có giá trị từ 20 triệu đồng trở xuống nhằm tiến tới việc kiểm soát chi theo giá trị, kiểm soát chi theo rủi ro.
KBNN cũng đã xây dựng hệ thống dịch vụ công tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN, các chủ đầu tư trong quá trình giao dịch với KBNN; trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN theo hướng thống nhất về hồ sơ thủ tục đối với các khoản chi đầu tư, chi thường xuyên, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn, của cơ quan tài chính, cơ quan chủ quản, KBNN và các đơn vị sử dụng ngân sách.
Bên cạnh đó, hệ thống KBNN đã thực hiện xây dựng Quy chế “một cửa một giao dịch viên” trong kiểm soát chi NSNN, ban hành theo thẩm quyền quy trình kiểm soát chi trong hệ thống KBNN theo nguyên tắc mỗi đơn vị sử dụng NSNN thực hiện giao dịch với một cán bộ KBNN tại nơi giao dịch. Qua đó, rút ngắn thời gian thanh toán mà vẫn đảm bảo tính công khai, minh bạch, trách nhiệm kiểm soát và giải quyết ngay được các vướng mắc phát sinh trong quá trình kiểm soát thanh toán.
Để thực hiện tốt chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ, hệ thống KBNN đã thực hiện triệt để nguyên tắc thanh toán trực tiếp cho người cung cấp hàng hóa, dịch vụ, thực hiện trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương NSNN, thanh toán qua thẻ chi tiêu công đối với các khoản mua sắm sử dụng vốn NSNN…
Ông Hà cho biết thêm, trong thời gian qua, thực hiện kiện toàn lại tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối trong công tác kiểm soát chi theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, hệ thống KBNN đã tinh gọn, giảm được 123 cấp phòng tại KBNN cấp tỉnh, trên 2.000 đầu mối cấp tổ tại KBNN cấp huyện, giải thể 43 phòng giao dịch thuộc KBNN cấp tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KBNN.
Đổi mới công tác kiểm soát chi đầu tư
Cùng với những cải cách trong công tác kiểm soát chi thường xuyên, KBNN cũng đã có nhiều đổi mới đối với công tác kiểm soát thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Ông Trần Mạnh Hà – Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi của KBNN phát biểu tại buổi họp báo
Báo cáo tại buổi họp báo, ông Hà cho biết, thủ tục kiểm soát thanh toán tại KBNN đã được cải cách, giảm bớt đáng kể. Về thời gian kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư cũng đã được rút ngắn so với Nghị quyết của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính. Cụ thể, đối với các dự án đủ điều kiện giải ngân, đảm bảo thời gian kiểm soát thanh toán tại cơ quan KBNN chậm nhất là 3 ngày làm việc. KBNN đã thực hiện việc kiểm soát thanh toán theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần, do vậy, KBNN các cấp sẽ hoàn thành thủ tục thanh toán cho chủ đầu tư chậm nhất một ngày làm việc kể từ khi nhận được đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ theo quy định.
Một bước tiến quan trọng nữa trong việc đơn giản hóa hồ sơ thủ tục đó là KBNN đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện giao nhận hồ sơ kiểm soát chi điện tử qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của KBNN. Qua đó đã góp phần tăng cường tính minh bạch trong công tác kiểm soát chi qua KBNN. Việc thống nhất cơ chế, quản lý sử dụng và thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thống nhất quy trình thực hiện đối với tất cả các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, đơn giản hóa hồ sơ thủ tục, giảm bớt các bước thực hiện, rút ngắn thời gian kiểm soát chi qua KBNN… cũng là những điểm đổi mới của KBNN trong công tác kiểm soát chi đầu tư. Qua đó đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư trong quá trình giao dịch với KBNN.
6 giảm - 8 tự động - 4 hơn nhờ cải cách hành chính
Đánh giá ngắn gọn về những điểm đã đạt được trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa kho bạc nói chung và công tác kiểm soát chi qua kho bạc nói riêng, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Giám đốc KBNN cho rằng, kết quả đạt được tựu chung lại ở “6 cái giảm – 8 cái tự động và 4 cái hơn”.
Theo ông Vinh, 6 giảm bao gồm: Giảm hồ sơ, tài liệu; Giảm về thủ tục; Giảm đầu mối thông qua cơ chế một cửa 1 giao dịch viên; Giảm thời gian kiểm soát thanh toán (từ 7 ngày rút xuống 4 ngày với đầu tư, đối với chi thường xuyên còn 1 ngày, thậm chí thông qua dịch vụ công có thể tính theo phút giao dịch); Giảm tiếp xúc trực tiếp với khách hàng; Giảm giấy tờ.
8 tự động bao gồm: Tiếp nhận hồ sơ tự động; Kiểm soát tự động; Kế toán tự động; Thanh toán tự động; Trả kết quả tự động; Lưu trữ hồ sơ tự động; Kết xuất báo cáo tự động và đối chiếu tự động. Từ những điều đó, 4 điểm tốt hơn mà kết quả cải cách hành chính và hiện đại hóa hệ thống KBNN đã mang lại là: Công khai minh bạch hơn; Chặt chẽ hơn; An toàn hơn (nhập dữ liệu chỉ 1 lần, không thể nhập lại, sai lệch hồ sơ); Hiệu quả hơn (không thất thoát, lãng phí).
Tại buổi họp báo, KBNN cũng thông tin về tình hình thực hiện công tác kiểm soát chi và số liệu chi NSNN qua KBNN trong 5 tháng đầu năm 2019. Trong phần hỏi đáp, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí như báo Đầu tư, Tuổi Trẻ, Tiền Phong… đã đặt một số câu hỏi với KBNN. Nội dung các câu hỏi tập trung vào tình hình giải ngân 5 tháng đầu năm, những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà hệ thống KBNN đã thực hiện để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn; Công tác phối hợp thu không dùng tiền mặt, ủy nhiệm thu, thu qua POS... Dưới sự điều hành của ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc KBNN và ông Ngô Chí Tùng – Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, các câu hỏi của các phóng viên đã được đại diện các đơn vị chức năng của KBNN trả lời và làm rõ các nội dung.
Một số hình ảnh tại buổi họp báo:
Các phóng viên và đại diện các đơn vị chức năng của KBNN tham gia hỏi đáp trong buổi họp báo