Cái khó... ở xã vùng cao

Cái khó... ở xã vùng cao
Lộc Thịnh – một trong những xã nghèo vùng cao của huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), với hơn 90% đồng bào là dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 75%. Mặc dù chương trình xây dựng NTM đã "thổi” đến từng hộ gia đình, được từng người dân hưởng ứng một cách nhiệt thành. Song, trước những khó khăn nhất định, đến nay xã Lộc Thịnh mới chỉ đạt 1/19 tiêu chí xây dựng NTM.
 
 
 
Giao thông nông thôn của xã miền núi vẫn còn gian khó
 
Hơi hướng từ nông thôn mới
 
Cũng như bao xã khác, Lộc Thịnh triển khai chương trình xây dựng NTM được gần 2 năm, tập thể cán bộ xã Lộc Thịnh đã hoạt động một cách năng nổ, với nhiều cách làm sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp thu các đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là việc tiếp thu, hiểu rõ nội dung lợi ích từ chương trình xây dựng NTM thông qua hệ thống các băng rôn, khẩu hiệu, phát thanh tuyên truyền trên loa đài của xã, cho tới những buổi họp làng với sự đồng tình hưởng ứng của toàn thể người dân. Nhờ đó, đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của toàn thể bà con trong xã. Diện mạo nông thôn mỗi ngày một khởi sắc, các luật tục, hủ tục ăn sâu bám rễ trong đời sống của người dân đang được bài trừ, mỗi gia đình, dòng họ thi đua thực hiện nếp sống văn hóa mới.
 
Tìm đến phòng phát thanh của xã, chứng kiến cảnh một người phụ nữ trung tuổi đang tận tình chỉ dẫn cán bộ phát thanh, tuyên truyền, biểu dương những hộ gia đình đã hiến đất làm đường nông thôn mới, những gia đình văn hóa, cá nhân xuất sắc...trong quý vừa rồi, hỏi ra được biết, bà là Quách Thị Thiết- phó chủ tịch UBND xã Lộc Thịnh.
 
 "Vì địa bàn dân cư rộng, đường xá đi lại khó khăn nên công tác tuyên truyền bằng loa đài là hết sức quan trọng. Mỗi tuần chúng tôi phát từ 2 – 3 lần, khi nào xã có triển khai kế hoạch, nội dung xây dựng nông thôn mới, phong trào văn hóa văn nghệ... thì phát thanh nhiều hơn. Làm như vậy không những tạo ra được phong trào thi đua xây dựng NTM trong toàn dân, mà nó còn là sự khích lệ, niềm tự hào đối với mỗi cá nhân, tập thể được tuyên dương, được ghi danh vào "sổ vàng” của xã lưu truyền cho đời sau” bà Thiết hăng say kể cách làm hay của xã.
 
Cái khó của Lộc Thịnh
 
Dù đã có những khởi sắc nhất định về diện mạo kinh tế- xã hội trong những năm qua nhưng Lộc Thịnh vẫn còn đó vô số những khó khăn, yếu kém của một xã vùng cao. Hiện tại, Lộc Thịnh mới chỉ đạt 1 tiêu chí về quy hoạch trong tổng số 19 tiêu chí về xây dựng NTM. 
 
Với xuất phát điểm là xã miền núi, địa hình phân bổ phức tạp, nội lực kinh tế của xã chủ yếu là phát triển nông nghiệp với hai loại cây trồng chính là lúa và mía. Tuy nhiên, những hạn chế trong hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng đã gây ra những khó khăn lớn với việc thâm canh tăng năng suất cây trồng, mùa vụ, dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa trong nông nghiệp.... Chủ yếu các hồ, đập giữ nước của xã đều là những hồ đập do bà con bỏ sức ra làm từ thời xa xưa, không được đầu tư nâng cấp bê tông hóa nên không giữ được nước vào mùa khô, công tác tưới tiêu không kịp thời. Vì vậy, năng suất cây trồng thấp chủ yếu chỉ đủ đáp ứng nguồn lương thực tại chỗ.
 
Trong khi đó, hệ thống giao thông nông thôn đến thời điểm hiện tại cũng chưa có một hạng mục đầu tư nào. Các tuyến đường liên thôn, liên xã đều do sự vận động của chính quyền, bà con hiến đất, hiến ngày công lao động làm nên. Nhưng do không được cứng hóa, nhựa hóa nên chỉ sau một vài đợt mưa bão, những ổ gà, sạt lún trên các tuyến đường, tuyến đê lại nhiều vô kể. "Trong đợt mưa lớn kéo dài hồi đầu tháng 9-2012 nước tràn qua một số đê kè đã nhấn chìm hàng nghìn ha đất lúa và hoa màu của bà con, khiến đời sống của người dân nơi đây hết sức bấp bênh. Tỷ lệ thoát nghèo những năm qua lại có nguy cơ tái nghèo” - bà Thiết không giấu khỏi sự lo lắng khi chia sẻ với chúng tôi.
 
Ông Bùi Văn Huệ, chủ tịch UBND xã Lộc Thịnh cho biết: Ngoài sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự đầu tư nguồn vốn là hết sức cần thiết trong việc nâng cấp, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi tạo thuận tiện trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển các cây trồng thế mạnh, áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất mùa vụ, đồng thời đầu tư tu sửa, nâng cấp các tuyến đường liên thôn, liên xã tạo điều kiện giao thương phát triển kinh tế, văn hóa  với các vùng khác. Một khi đời sống kinh tế của bà con nông dân ổn định thì việc huy động nguồn nội lực từ trong dân để hoàn thiện những tiêu chí xây dựng NTM là hết sức khả quan”.
 
Ngoài những khó khăn trên, Lộc Thịnh còn phải đối mặt với một loạt những khó khăn khác về cơ sở hạ tầng, điện, trường, trạm...chưa có hoặc xuống cấp một cách nghiêm trọng. Thiết nghĩ, để chương trình xây dựng NTM sớm phát huy hiệu quả ở các xã, vùng miền núi nói chung và Lộc Thịnh nói riêng, trước hết, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành tìm ra những hướng giải quyết khó khăn, từng bước đưa các xã nghèo miền núi rút ngắn được khoảng cách với các xã miền xuôi trên bước đường xây dựng NTM.
Đình Giang
Theo daidoanket.vn