Cam Canh, bưởi Diễn trên đất Vạn Phúc

Cam Canh, bưởi Diễn trên đất Vạn Phúc
Nằm ven sông Hồng, có vùng đất bãi màu mỡ, xã Vạn Phúc (Thanh Trì - Hà Nội), mới có nền nông nghiệp phát triển ổn định. Đặc biệt, sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa và tập trung phát triển cây ăn quả có múi, Vạn Phúc trở thành “điểm sáng” trong bức tranh nông nghiệp Thủ đô.

Điểm sáng dồn điền đổi thửa

Vạn Phúc là xã vùng bãi sông Hồng, có tổng diện tích đất tự nhiên 624,1885ha, trong đó có 198,5083ha  đất nông nghiệp. Qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình số 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân”, xã Vạn Phúc đã thu được kết quả đáng phấn khởi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể­, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi.

Để thực hiện Chương trình 02, Đảng bộ xã đã cụ thể hóa bằng việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, tiến hành dồn điền đổi thửa, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có múi như: bưởi, cam, quất...

Mô hình trồng quất cảnh phục vụ Tết đang phát triển ở Vạn Phúc.

Trước đây, đất sản xuất nông nghiệp của Vạn Phúc khá manh mún, nhỏ lẻ, mỗi hộ gia đình sở hữu 5-7 thửa, thửa nhỏ nhất chỉ 40-70m2, thửa lớn nhất cũng chỉ 200-300m2. Hiện trạng ruộng đất không tập trung đã gây nhiều khó khăn cho việc canh tác, tốn công lao động, trong khi hiệu quả kinh tế không cao.

Để khắc phục những khó khăn trên, cùng với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, ngày 1/2/2013, phương án dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp của xã Vạn Phúc được UBND huyện Thanh Trì phê duyệt theo Quyết định số 2687/QĐ-UBND. Thực hiện văn bản hướng dẫn, Đảng ủy xã đã lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng ban để đạt được kết quả cao trong thời gian nhanh nhất.

Triển khai phương án trên, Đảng ủy xã đã tiến hành tổ chức hội nghị Đảng bộ để lấy ý kiến góp ý và tuyên truyền chủ trương dồn điền đổi thửa đến toàn bộ đảng viên trong xã. Bên cạnh đó, còn tổ chức tuyên truyền qua nhiều hình thức như tại các hội nghị của xã, trên hệ thống phát thanh và lồng ghép trong các hội thi qua nhiều tiểu phẩm. Phối kết hợp cùng với các hộ sản xuất mô hình trang trại tuyên truyền vận động các hộ tiếp tục cho thuê đất để các chủ trang trại ổn định sản xuất. Đài truyền thanh xã dành 15-20 phút mỗi ngày 2 lần tuyên truyền về lợi ích của dồn điền đổi thửa.

Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ kế hoạch dồn điền đổi thửa, Vạn Phúc đã vấp phải nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân. Trên 150 cuộc họp từ xã đến thôn, các hội đoàn thể, nhóm chia đất đã được tổ chức để giải thích các phương án dồn đổi.

Ông Đinh Quang Minh, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Ban đầu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn do người dân chưa hiểu hết lợi ích của việc dồn điền đổi thửa, nhưng bằng sự kiên trì, nỗ lực hết mình của chính quyền địa phương thông qua việc vận động, tuyên truyền, cuối cùng nhân dân cũng đồng lòng thực hiện, mang lại kết quả cao”.

Ngoài ra, theo Hướng dẫn số 29 của Sở Nông nghiệp và PTNT TP.Hà Nội còn yêu cầu dồn điền đổi thửa nhưng không làm phá vỡ sản xuất, đây cũng chính là trở ngại lớn đặt ra cho lãnh đạo, chính quyền xã phải làm như thế nào cho hợp lý, giảm thiểu được thiệt hại đối với cây trồng của các hộ dân làm kinh tế trang trại.

Sau hơn một năm thực hiện, tuân thủ quy trình dồn điền đổi thửa của Sở Nông nghiệp và PTNT, xã Vạn Phúc đã dồn được 149,3832ha với 1.693 hộ. Trong đó, số hộ có 1 thửa là 929 hộ (chiếm 54,6%), số hộ 2 thửa là 706 hộ (chiếm 41,7%), số hộ 3 thửa là 62 hộ (chiếm 3,6%). So với trước đó, tình trạng manh mún, nhỏ lẻ đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn hộ có 3 thửa nhưng con số không nhiều. UBND xã còn đưa ra chính sách  đối với các hộ gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng cùng các hộ độc thân, neo đơn… được ưu tiên chia thửa có điều kiện canh tác thuận lợi nhất, đảm bảo gọn vùng, gọn thửa.

Hiệu quả từ phát triển cây ăn quả có múi

Sau thành công của dồn điền đổi thửa, UBND xã Vạn Phúc tuyên truyền cho người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi quy hoạch vùng sản xuất tập trung, trồng cây ăn quả có múi như bưởi, cam, quất. Cụ thể, năm 2014, xã vận động nhân dân trồng cây ăn quả có múi với tổng diện tích quy hoạch là 101ha. Đến ngày 20/09/2014, nhân dân đã chuyển đổi được 56,6/101ha, đạt 56% so với diện tích quy hoạch.

“Dự tính trong năm 2014 - 2015, xã sẽ chuyển 100% diện tích sang cây ăn quả, trồng rau và xóa bỏ trồng ngô. Trước đây, thu nhập từ trồng ngô, lúa và các cây khác chỉ đạt 70 - 80 triệu đồng/ha. Trồng lúa, ngô còn tốn chi phí và sức lao động của người dân”, ông Minh nói.

Ông Nguyễn Văn Giang, một trong những người tiên phong trồng cam và quất 8 năm nay, chia sẻ: “Thu nhập từ trồng cam, quất gấp 10 lần so với trồng lúa, ngô. Gia đình tôi sở hữu 4 mẫu đất, năm được mùa, 1 mẫu đất sẽ cho 2 tấn cam Canh, với giá từ 50.000-60.000 đồng/kg,  trồng 1.000 cây quất, giá trung bình từ 100.000 - 200.000 đồng/cây, trừ chi phí, gia đình tôi thu được 500-600 triệu đồng/năm”.

 Chia sẻ kinh nghiệm để đi tới thành công, ông Giang cho biết thêm: “Mùa vụ ở đây chịu ảnh hưởng lớn từ thời tiết, phải dựa theo thời tiết để xử lý bứt hoa, năng suất cam giảm dần theo các năm, vì vậy, cần chăm bón tốt để cây cho ra quả nhiều.  Trồng cam, quýt tốn ít công lao động, chỉ vất vả lúc mới trồng, còn những năm sau chỉ cần chăm bón, cắt tỉa thôi”.

Các loại cây đang trồng tại xã Vạn Phúc chủ yếu là giống tự ươm hoặc mua từ các viện nghiên cứu. Người dân phải bỏ chi phí khá lớn lúc bắt đầu nên nhiều hộ còn gặp khó khăn do vốn ít. Theo tìm hiểu của phóng viên, UBND huyện Thanh trì sẽ hỗ trợ 50% giống cho những hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng quy hoạch. Nhưng theo phản ánh của các hộ gia đình, hiện tại chưa nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên.

Một nỗi lo khác là, giá bán của sản phẩm chưa ổn định. Chính quyền cần có biện pháp để khẳng định thương hiệu,  giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm.

Định hướng trong giai đoạn 2014-2020, xã Vạn Phúc tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đến năm 2015 cơ bản hoàn thành diện tích chuyển đổi trồng cây ăn quả (44,4ha). Phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15-16%/năm. Thu nhập bình quân đến năm 2016 đạt 25 triệu đồng/người/năm; đến năm 2016 đưa giá trị thu nhập đạt 200 triệu đồng/ha canh tác.

Vạn Phúc là điển hình trong xây dựng nông thôn mới và dồn điền đổi thửa của TP. Hà Nội. Bài học kinh nghiệm được rút ra là phải có tinh thần đoàn kết, dám làm và dám hy sinh. Cán bộ phải là người đi đầu, gương mẫu, chịu nhận phần khó về mình. Chính quyền phải lắng nghe đóng góp của dân, giải đáp  khúc mắc của họ. Ngoài ra, luôn tuân theo quy tắc dân chủ,đặt lợi ích của nhân dân lên trước tiên. Luôn kiên trì trong vận động và đưa ra  chính sách hỗ trợ đặc biệt với những hoàn cảnh khó khăn.

Theo: kinhtenongthon.com.vn