Cẩm Giàng xây dựng nông thôn mới bền vững

Cẩm Giàng xây dựng nông thôn mới bền vững
Để hướng tới xây dựng NTM bền vững, vừa nâng cao thu nhập ổn định vừa giữ lao động trẻ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương xác định phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa là hướng đi chủ yếu, với các vùng nông sản hàng hóa có giá trị cao.

 Xã Kim Giang về đích nông thôn mới trước 3 năm.

Năm 2016, toàn huyện Cẩm Giàng đã có 9/17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, và tiếp tục nỗ lực đưa các xã còn lại về đích năm 2018, vượt tiến độ 2 năm so với Nghị quyết của Huyện ủy Cẩm Giàng (năm 2020 đạt chuẩn Nông thôn mới).

Trong năm 2017, huyện Cẩm Giàng phấn đấu 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Cẩm Đông, Thạch Lỗi, Cẩm Hưng, Cẩm Điền. 4 xã còn lại gồm: Cẩm Vũ, Lương Điền, Cẩm Phúc và Ngọc Liên sẽ đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018. 

Về đích sớm trước 3 năm so với mục tiêu ban đầu, kết quả, thu nhập bình quân đầu người của xã Kim Giang, huyện Cẩm Giàng đã tăng từ 7,9 triệu đồng/người (năm 2010) lên hơn 25,2 triệu đồng/người (năm 2015) và năm 2016 ước đạt trên 34 triệu đồng/người; số hộ khá và giàu tăng nhanh.

Ông Trình Văn Bích, Bí thư Đảng ủy xã Kim Giang nhấn mạnh, Đảng ủy, UBND luôn tạo hành lang pháp lý, thủ tục hành chính thuận lợi để người dân kinh doanh, buôn bán; phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. 

Để hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững, vừa nâng cao thu nhập ổn định vừa giữ lao động gắn bó quê hương, Huyện ủy Cẩm Giàng xác định phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa vẫn là hướng đi chủ yếu, với các vùng nông sản hàng hóa có giá trị cao. 

Cẩm Giàng đã tận dụng lợi thế đất nông nghiệp màu mỡ do được bồi đắp phù sa hình thành nên vùng chuyên canh rau màu, vùng lúa lai và lúa chất lượng cao. Điển hình như các xã: Cẩm Văn, Đức Chính, Cẩm Đoài, Tân Trường, Cẩm Hưng… Đặc biệt đã hình thành nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Hiện nay 47km đường bộ trong huyện đã đạt tiêu chuẩn và phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, hệ thống thủy lợi liên xã được xây dựng đúng với quy hoạch và hoạt động hiệu quả.

Đáng chú ý, từ việc vận động người dân dồn điền đổi thửa, huyện Cẩm Giàng đã triển khai thực hiện được 17 mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân từ 50 đến 100% sản lượng. 

Tất cả các thôn, khu dân cư có tổ chức thu gom rác thải và bãi chôn lấp theo quy định, gắn việc xây dựng nông thôn mới với công tác bảo vệ môi trường, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân, qua đó bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn...

Huyện xác định mục tiêu, xây dựng NTM là đời sống nhân dân được nâng lên, cơ sở vật chất được tăng cường, an ninh trật tự bảo đảm. Tuy nhiên,  theo Bí thư Huyện ủy Vũ Hồng Khiêm, một vấn đề mang tính thách thức đặt ra cho Cẩm Giàng là việc ổn định đời sống người dân sau thu hút đầu tư. 

Hiện Cẩm Giàng có 5 khu công nghiệp, hơn 310 doanh nghiệp đang đầu tư tại địa phương. Cùng với đóng góp phát triển kinh tế thì những vấn đề xã hội đang buộc cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở cần nỗ lực hơn nữa để kết quả xây dựng NTM đạt hiệu quả toàn diện.

Theo: Hải Nhi/danviet.vn