Cẩm Khê: Chủ động tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

Cẩm Khê: Chủ động tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang mang lại sức sống mới trong đời sống nông dân cũng như diện mạo mới của nông thôn huyện Cẩm Khê. Tuy nhiên, để sức sống ấy lan tỏa nhanh và rộng, Cẩm Khê tiếp tục phấn đấu “về đích” bằng nội lực, huy động tối đa sức dân để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Hiến đất làm đường là việc làm rõ nhất thể hiện sự vào cuộc tích cực của người dân tham gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Cẩm Khê. - Không chỉ hiến đất làm đường, gia đình ông Nguyễn Văn Hồng ở khu 1 xã Hương Lung còn tình nguyện xẻ đất đắp nền làm đường giao thông nông thôn.
Hiến đất làm đường là việc làm rõ nhất thể hiện sự vào cuộc tích cực của người dân tham gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Cẩm Khê.
- Không chỉ hiến đất làm đường, gia đình ông Nguyễn Văn Hồng ở khu 1 xã Hương Lung còn tình nguyện xẻ đất đắp nền làm đường giao thông nông thôn.

Từ những khởi sắc bước đầu…

Tuy là một huyện nông nghiệp còn nhiều khó khăn, nhưng từ khi có chương trình xây dựng NTM, diện mạo của Cẩm Khê đã có nhiều đổi thay đáng kể. Những con đường đất đỏ nắng bụi, mưa bùn ở các xã giờ đây được thay thế bằng đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ. Còn với người dân, khi hỏi về NTM, hầu hết ai cũng hiểu rằng đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phục vụ lợi ích của chính người nông dân…Có thể thấy rằng xây dựng NTM đối với người dân Cẩm Khê không phải là việc làm hình thức, mà họ có sự đồng thuận cao, biết phát huy vai trò chủ đạo, chủ động tham gia xây dựng NTM, thể hiện qua những việc làm cụ thể, thiết thực, giúp cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Có được những kết quả đó phải kể đến công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Ngay sau khi có các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Cẩm Khê đã nhanh chóng triển khai, phân công công việc cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể huyện và ban hành các văn bản hướng dẫn các xã thực hiện các tiêu chí. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2015, huyện tập trung nguồn lực chính cho các xã trọng điểm xây dựng NTM là: Phương Xá, Sai Nga, Điêu Lương, Tình Cương, Hương Lung và Đồng Cam.

Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể xây dựng NTM cấp xã đã được UBND huyện phê duyệt và theo kết quả điều tra, rà soát của các xã, toàn huyện có 7 xã đạt từ 8- 13/19 tiêu chí; 6 xã đạt 7/19 tiêu chí; 8 xã đạt 6/19 tiêu chí và 9 xã đạt 5/19 tiêu chí.

Nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng NTM, huyện Cẩm Khê đã phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Từng người dân đã chủ động tham gia xây dựng NTM, từ việc trực tiếp bàn bạc, trao đổi, thống nhất phương án quy hoạch cho đến theo dõi, quản lý, giám sát công trình xây dựng trên địa bàn. Không chỉ vậy, người dân còn nâng cao ý thức vệ sinh môi trường nơi ở; đã tích cực áp dụng KHKT vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt, người dân tích cực hưởng ứng phong trào hiến đất, góp sức làm mới hàng loạt tuyến đường từ tuyến huyện, tuyến xã cho tới các tuyến đường trong khu dân cư và công trình xây dựng NTM. Điển hình cho phong trào này là các hộ dân ở xã Phương Xá, Sơn Tình, Điêu Lương, Tuy Lộc, Hương Lung...với tổng số 3.429 hộ tham gia hiến đất.

Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Xuân Cao - khu 2, xã Sơn Tình đã chủ động hiến 120m2 đất vườn, 204m2 tường rào xây gạch để phục vụ cho làm đường giao thông nông thôn; gia đình ông Nguyễn Huy Hồng, ở khu 1- Quyết Tiến, xã Tuy Lộc hiến gần 600m2 đất vườn có cây hoa màu; gia đình ông Lê Văn Nam ở xóm Või, xã Điêu Lương hiến 300 m2 đất vườn và 100m2 đất ruộng để làm giao thông nông thôn…

Con đường rộng 4 mét, dài gần 500 mét vào khu 1 xã Hương Lung vừa được mở mang, chuẩn bị dải bê tông là một minh chứng rõ nét về phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Không chỉ tình nguyện hiến những phần đất vườn, đất ruộng mà họ còn tình nguyện xẻ đồi lấy đất đắp nền làm đường. Bác Nguyễn Văn Hồng ở khu 1 xã Hương Lung chia sẻ: “Bao nhiêu năm bà con mong mỏi con đường vào thôn, xóm không còn lầy lội. Giờ ước mơ đó được thực hiện, bà con trong khu ai cũng hăng hái tình nguyện tham gia hiến đất. Tuy còn nhiều khó khăn trong lao động sản xuất, nhưng vì lợi ích lâu dài của gia đình và của cả cộng đồng, để làm con đường liên thôn này các hộ trong khu 1 chúng tôi đã hiến khoảng gần 700m2 đất”.

“Có thể thấy, phong trào tình nguyện hiến đất của người dân được xem là thắng lợi bước đầu trong nhận thức về xây dựng NTM. Điều đó khẳng định người dân - chủ thể quyết định xây dựng NTM thành công đã nhận thức rõ ý nghĩa và lợi ích mà NTM mang lại cho chính mình” - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lung Tống Quang Lục chia sẻ.

Ngoài tình nguyện hiến đất các hộ dân còn đóng góp công lao động với giá trị trên 20 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Là một xã điểm xây dựng NTM, đến nay, Phương Xá dẫn đầu toàn huyện với 13/19 tiêu chí của NTM. Nhờ “chung sức, đồng lòng” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, biết tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cho NTM, Phương Xá đã từng bước hoàn thành các tiêu chí một cách bền vững. Về Phương Xá, điều dễ nhận thấy là hình ảnh xã NTM đang dần hiện hữu, phấn đấu năm 2013 cơ bản đạt xã NTM. Đây chính là thành quả đầu tiên trong “lộ trình” xây dựng NTM của Cẩm Khê. Điều này sẽ tạo động lực để các xã trọng điểm xây dựng NTM tiếp tục phấn đấu, tập trung huy động nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015.  

Không chỉ người dân tích cực tham gia xây dựng NTM, ở Cẩm Khê, xây dựng NTM còn huy động được cả sự đóng góp, vào cuộc của các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Một số các doanh nghiệp đã phối hợp, giúp đỡ địa phương xây dựng các công trình văn hóa, xã hội như: Ngân hàng Bưu điện Liên Việt giúp xã Tình Cương xây dựng trụ sở UBND xã, trường học, với tổng trị giá khoảng 40 tỷ đồng; Công ty CP Him Lam giúp xã Chương Xá xây dựng Trường tiểu học trị giá khoảng 20 tỷ đồng…

… đến khó khăn cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, xây dựng NTM ở Cẩm Khê còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Khó khăn lớn nhất phải kể đến đó là nguồn lực đầu tư cho chương trình còn hạn chế, chưa kịp thời, trong khi Cẩm Khê là một huyện nông nghiệp, xuất phát điểm kinh tế thấp. Mặc dù không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, song để huy động các nguồn lực đầu tư ở Cẩm Khê là điều hết sức khó khăn.

Mặt khác, theo số liệu thống kê về thực hiện các tiêu chí NTM thì hiện nay, Cẩm Khê cũng giống như nhiều địa phương khác đó là chưa thực sự tìm ra giải pháp thực hiện một số tiêu chí như: Giao thông, môi trường, thủy lợi, các thiết chế văn hóa thể thao, cơ cấu lao động, thu nhập, chợ, giáo dục... Trao đổi vấn đề này, lãnh đạo một số xã đều đưa ra nguyên nhân cụ thể, nhưng hầu như chưa xã nào có giải pháp khả quan! Đánh giá thực tế về xây dựng NTM của địa phương, đồng chí Tống Quang Lục - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lung đưa ra một ví dụ: “Để xây dựng một nhà văn hóa khu dân cư cần kinh phí khoảng 150 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, còn lại phải cần đến ngân sách địa phương và sự đóng góp của người dân. Điều này còn có thể thực hiện được vì “vừa” với sức dân. Nhưng để đầu tư xây dựng chợ thì không đơn giản chút nào khi phải cần đến vài tỷ đồng!”.

Hoặc về tiêu chí môi trường, căn cứ vào điều kiện thực tế của huyện hiện nay thì vấn đề thu gom rác thải, khu tập kết rác thải đúng quy định hầu như chưa xã nào có chứ chưa nói đến khu xử lý rác thải!... Về tiêu chí thu nhập, do là huyện nông nghiệp, thu nhập chính của người dân cũng chỉ trông chờ vào sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, một vài năm gần đây, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá cả thị trường vật tư, thức ăn gia súc, phân bón tăng cao nhưng giá trị sản phẩm nông nghiệp bán ra thị trường lại thấp. Do vậy, mặc dù sản lượng nông nghiệp có thể cao nhưng lại “tỷ lệ nghịch” với đơn giá sản phẩm, cho nên thu nhập của người dân vẫn thấp.

Đã gần hết 2/3 chặng đường xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, thế nhưng xây dựng NTM ở Cẩm Khê hiện nay đang còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra. “Để từng bước tháo gỡ, huyện đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo giữ vững các tiêu chí đã đạt, hoàn thành dứt điểm những tiêu chí không cần vốn; rà soát, đánh giá lại các tiêu chí, rút kinh nghiệm để điều chỉnh thực hiện có hiệu quả. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, tích cực tranh thủ các nguồn lực đầu tư khác, lồng ghép các chương trình, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các doanh nghiệp và đặc biệt là huy động sức dân để họ thực sự phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, huy động sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của nhân dân”- Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê Trần Xuân Hải cho biết.

Những kết quả bước đầu và khó khăn nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện xây dựng NTM ở Cẩm Khê là cơ sở thực tiễn để các cấp, các ngành liên quan điều chỉnh sự chỉ đạo cũng như đề ra các giải pháp phù hợp đảm bảo thành công cho chương trình xây dựng NTM.

Huyền Nga (nguồn: baophutho.vn)