Cảm phục tấm gương lên núi nuôi lợn rừng, thu 2 tỷ đồng/năm

Cảm phục tấm gương lên núi nuôi lợn rừng, thu 2 tỷ đồng/năm
Chỉ cái tên núi Mu Muộn (thôn Nà Cọ, xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) đã gợi lên sự hoang dã, hẻo lánh. Dân bản địa mải theo dấu chân con chồn, con dúi mới lạc lên đỉnh Mu Muộn.

Vậy mà hơn 10 năm trước, chàng trai trẻ Chu Quang Phúc (SN 1978) từ Thái Nguyên lên đã quyết định ẩn cư giữa đỉnh Mu Muộn. Những người khó tính nhất, nghi ngờ sự khai phá của Phúc bao nhiêu thì nay lại ngợi khen, quý trọng nỗ lực của anh bấy nhiêu.  

Vạn sự khởi đầu nan

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang nằm giữa bạt ngàn của rừng trồng trên đỉnh núi Mu Muộn, dáng người nhỏ thó, thanh mảnh nhưng phong thái rất nhanh nhẹn, Phúc kể, anh sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo (xã Tân Hòa, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Năm 2001, vợ chồng anh tha hương, dắt díu con cái về Chợ Đồn mưu sinh. Không có nghề nghiệp, anh mua cá mắm, vật dụng sinh hoạt từ chợ huyện mang về các chợ phiên ở khắp nơi.

09-58-54_1
Trang trại chăn nuôi hiệu quả trên đỉnh núi của Chu Quang Phúc góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào vùng cao

Việc buôn bán không suôn sẻ được mãi, năm 2003, còn chút ít vốn liếng, anh vay thêm 20 triệu từ ngân hàng chính sách xã hội huyện, mua 2,6ha đất rừng trên đỉnh núi Mu Muộn với tư duy làm trang trại chăn nuôi. Đồng bào địa phương bỗng quay ra xa lánh Phúc, vợ anh gạn hỏi, người bạo dạn, gần gũi tình cảm lắm mới nói thật là xem Phúc có bị ma rừng, quỷ núi bắt hồn hay không mà cả gan lên núi đào đất đắp hồ, khai phá sơn lâm.

Vợ Phúc, chị Vũ Thị Thơm tá hỏa chạy về can chồng. Nghe vợ lo lắng nói dồn dập, khuyên can một hồi, Phúc trả lời gọn lỏn, đanh chắc, có sức người sỏi đá cũng thành cơm, sơn thần, thổ địa chắc còn ủng hộ mình cớ gì sợ hãi không đâu. Nói rồi anh lẳng lặng vác dao, mang cuốc ra núi trồng cây.

Sau khi tham khảo nhiều mô hình chăn nuôi lợn rừng ở Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phúc khăn gói lên đường, tìm mua con giống tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, cuối cùng anh có mặt tại một trang trại nuôi lợn rừng ở tỉnh Quảng Trị qua sự giới thiệu của nhiều người.

Anh hớn hở khi đã chọn cho mình bốn con lợn rừng giống ưng ý, để mang về trang trại chăn nuôi của mình với hi vọng sẽ sinh sản ra những lứa lợn con khỏe mạnh. Thế nhưng, đàn lợn rừng được người bán khẳng định là giống thuần 100%, thực chất lại là lợn rừng lai ta, đã thế đem về nuôi được một thời gian, bỗng lăn đùng ra chết sạch mà không rõ nguyên nhân. Thất thần ngồi nhìn đống tài sản của mình bỗng chốc tiêu tan, xót của đến ứa nước mắt. Bao nhiêu vốn liếng của vợ chồng anh đã dồn cả cho đợt đi mua giống ở miền Trung này.

Phúc quay ra tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ lưỡng về quy trình kỹ thuật chọn giống, chăn nuôi lợn rừng. Lần này, anh lại vay 100 triệu từ ngân hàng để mua 4 con lợn giống. Lợn rừng chuẩn được về với rừng tỏ ra đặc biệt thích nghi với môi trường trang trại của Phúc. Lợn rừng không ngừng được tăng đàn. Có năm số lượng lợn xuất chuồng của trang trại Chu Quang Phúc lên đến trên 1.000 con. Mỗi con lợn rừng đều được đeo số vào tai.

09-58-54_2
Lợn rừng chuẩn được về với rừng tỏ ra đặc biệt thích nghi với môi trường trang trại của Phúc

Mỗi khi xuất bán, Phúc phải báo cáo cơ quan kiểm lâm kiểm tra theo dõi. Lợn rừng sống hoang dã, thức ăn chủ yếu là cám gạo, các loại cây như cỏ voi, thân chuối, măng rừng, bèo... Phúc đã chủ động được kỹ thuật nên việc chăn nuôi suôn sẻ. Anh lại bắt tay vào việc nuôi dúi, nhím, gà thả đồi... Tận dụng nguồn nước từ khe núi, anh đào hồ nuôi cá với diện tích gần 5.000m2.

Qua các năm, anh tiếp tục mua thêm đất để trồng rừng quế, mõ, hồi và các loại cây ăn quả như cam, quýt... Phúc mua lưới B40 về quây khu trang trại rộng gần 20ha giữa đỉnh Mu Muộn tràn đầy sức sống.  

Ngỡ ngàng nơi sơn cùng thủy tận

Khi mới xây dựng trang trại, để lên được đỉnh núi, Phúc phải mất hàng giờ đi bộ leo những con dốc đất trơn trượt, dựng đứng, tức ngực. Chu Quang Phúc cho biết, anh khởi nghiệp tối tăm, mỗi bước trèo lên lại đánh dấu một lần thất bại. Giang sơn Mu Muộn như một thế giới cách biệt, không điện, không đường. Cơ man là muỗi, dĩn, vắt rừng...

Mấy năm trước, lợn rừng của Phúc có giá tới 300 - 400 ngàn đồng/kg. Năm vừa rồi, mặc dù lợn rớt giá thê thảm nhưng anh vẫn bán được giá từ 90 - 200 ngàn đồng/kg. Lợn rừng của trang trại Chu Quang Phúc không đáp ứng đủ số lượng yêu cầu được khách khắp nơi đặt, đặc biệt thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Vào những dịp lễ, tết số lượng khách đặt lợn rừng rất đông.

Cùng với nhím, dúi, gà, cá và nguồn thu từ lâm sản, mỗi năm trang trại của Phúc có thu nhập trên 2 tỷ đồng. Nguồn thu lớn và ổn định từ trang trại đã cho phép 2 vợ chồng mạnh dạn dừng kế hoạch hóa gia đình sau 10 năm thực hiện để sinh người con thứ hai vào năm 2011.

Năm 2012, anh thuê máy xúc, máy ủi về làm đường lên núi. Con đường bê tông dài hơn 1km, đủ rộng cho ô tô chạy thẳng từ đỉnh núi xuống tỉnh lộ 257. Phúc mua 2 xe ô tô để chở cám và vật liệu phục vụ sản xuất tại trang trại. Anh lại cho kéo đường điện lên núi. Điện, đường hiện diện khiến ngọn núi hoang sơ ngày nào bỗng bừng lên một sắc thái mới. Cũng trong năm 2012, Phúc đẵn gỗ rừng trồng, mua nguyên vật liệu dựng nhà trên núi.

09-58-54_3
Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Đưa chúng tôi lên thăm trang trại của Phúc, ông Nông Văn Đổi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Viên cho biết, nỗ lực học hỏi, quyết tâm làm giàu và sự kiên trì đặc biệt của Phúc không chỉ giúp anh thành công mà còn mang lại sự đổi thay lớn cho địa phương.

Con đường Chu Quang Phúc mở ra đã giúp hơn 10 hộ dân sống ngay dưới trang trại được thuận tiện đi lại, góp phần nâng cao giá trị thu nhập từ rừng. Trang trại cũng tạo điều kiện cho gần 10 lao động làm việc thường xuyên với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Thời điểm mùa vụ như cắt cỏ, trồng rừng, thu hoạch, trang trại phải thuê đến 20 lao động làm việc.

Tiếp đà phát triển, Phúc cho biết, anh đang chuẩn bị, xây dựng một trang trại khác có quy mô lớn hơn trang trại hiện có. Lần xây dựng mới này chắc chắn sẽ quy củ, bài bản hơn vì nguồn lực được chủ động. Trước đó, do thiếu vốn, hạn chế kỹ thuật lại chưa có kinh nghiệm nên việc xây dựng còn thụ động, chắp ghép.

Ông Hà Sỹ Huân, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết, mô hình vườn - ao - chuồng - rừng của gia đình anh Chu Quang Phúc cần được nhân rộng. Nhờ ý chí và nghị lực, đến nay gia đình anh Phúc đã vươn lên khá giả, trở thành hộ điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương. Không những chỉ làm giàu cho bản thân mà anh còn giải quyết, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương. Trong thời gian tới huyện sẽ tạo điều kiện, cơ chế nhằm khuyến khích những hộ dân mở trang trại, trồng rừng...

Theo: Đồng Văn Thưởng/nongnghiep.vn