Cần cơ chế đặc thù để “về đích” đúng hạn trong xây dựng nông thôn mới

Trong hai năm (2014 - 2015), tỉnh Khánh Hòa có 20 trong tổng số 94 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 10 xã đã đăng ký đạt chuẩn vào cuối năm 2014.
Thời hạn “về đích” đã cận kề, nhưng 20 xã này vẫn đang lúng túng trong việc thực hiện tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị, xã hội do còn nhiều cán bộ, công chức xã chưa đạt chuẩn.

* Để đạt chuẩn phải lùi thời gian thực hiện Thông tư

Xã Vĩnh Hiệp (thành phố Nha Trang) là một trong 10 xã điểm sẽ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2014. Đến nay, xã này đã hoàn thành được 16/19 tiêu chí. Ba tiêu chí chưa đạt được, gồm: trường học, cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt văn hóa và hệ thống tổ chức chính trị - xã hội.

Theo ông Phùng Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, hai tiêu chí trường học và sơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt văn hóa đã sắp hoàn thành. Tuy nhiên, hiện tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị - xã hội đang là "bài toán khó" đối với xã do còn 3 cán bộ chưa đạt chuẩn và đã lớn tuổi nên khó hoàn thành yêu cầu về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ được quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn.

Cũng vường mắc về tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị - xã hội như xã Vĩnh Hiệp, đến thời điểm này, xã Diên Phú (huyện Diên Khánh) đã đạt được 18/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Tiêu chí còn lại xã Diên Phú chưa đạt được là hệ thống tổ chức chính trị - xã hội do còn 3 cán bộ và 4 công chức xã chưa đạt chuẩn. Để chương trình xây dựng nông thôn mới "về đích" đúng thời hạn vào cuối năm nay, xã Diên Phú phải sớm đạt được tiêu chí trên. Muốn vậy, xã Diên Phú phải xin cơ chế đặc thù cho chức danh Chủ tịch các hội: Cựu chiến binh, Nông dân… Số cán bộ, công chức chưa đạt chuẩn còn lại, thời gian tới phải bổ sung đầy đủ bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ tin học văn phòng, sơ cấp lý luận chính trị...

Ông Cao Tánh, Chủ tịch UBND xã Diên Phú, cho biết: Nhiều người đang giữ các chức danh chủ tịch hội, đoàn thể sẽ khó đạt được chuẩn về cán bộ, công chức xã theo Thông tư số 06/2012/TT-BNV vì đã lớn tuổi. Nhưng những người này đã công tác, cống hiến cho địa phương nhiều năm nên không thể cho thôi việc hoặc điều chuyển làm công tác khác, mà cần thực hiện cơ chế đặc thù đối với một số chức danh. 1

Làm sao để cán bộ, công chức sớm đạt được chuẩn, góp phần đưa chương trình xây dựng nông thôn “về đích” đúng thời hạn đang là nỗi trăn trở của Ban chỉ đạo các xã điểm ở Khánh Hòa. Minh chứng là trong số 10 xã đã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào cuối năm nay có 38 cán bộ chưa đạt chuẩn, chiếm 36,2% tổng số cán bộ xã, chủ yếu đang giữ chức danh Chủ tịch các hội: Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc và Bí thư Đoàn. Số công chức các xã này chưa đạt chuẩn là 14, chiếm 15,3% tổng số công chức xã và đang giữ các chức danh: Chỉ huy trưởng quân sự, Trưởng Công an xã và văn hóa - xã hội.

Sau gần 4 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay 100% số xã ở Khánh Hòa vẫn chưa đạt được tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị - xã hội do còn nhiều cán bộ, công chức mới chỉ có trình độ trung học cơ sở, chưa có bằng chuyên môn nghiệp vụ trung cấp và chứng chỉ tin học văn phòng trình độ A. Đây cũng là tiêu chí duy nhất chưa xã nào ở Khánh Hòa thực hiện được tính đến thời điểm này. Để đạt được tiêu chí này, nhiều xã đã kiến nghị, vẫn cho phép đánh giá việc đạt chuẩn cán bộ xã theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/1/2004 của Bộ Nội vụ quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đến hết năm 2015. Từ sau năm 2015 trở đi mới thực hiện, đánh giá toàn bộ lực lượng cán bộ, công chức xã theo Thông tư số 06/2012/TT-BNV.

* Cơ chế đặc thù cho một số chức danh

 Sở Nội vụ Khánh Hòa cho biết, đã nhận được phản ánh của nhiều xã về điều kiện 100% cán bộ, công chức phải đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-BNV là khó đạt được trong giai đoạn hiện nay. Nguyên nhân, do đội ngũ cán bộ, công chức xã hiện đa số đã lớn tuổi, khó có thể hoàn thành các yêu cầu về trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, tin học…

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cũng đã có chỉ đạo về việc thực hiện vấn đề này trong xây dựng nông thôn mới. Theo đó, năm 2014, việc xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vẫn thực hiện theo quy định chung tại Quyết định số 1800/QĐ-UBND ngày 14/7/2014 của UBND tỉnh quy định, trình tự, thủ tục xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với từng trường hợp cụ thể, Hội đồng thẩm định sẽ tham mưu cho Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và UBND tỉnh xem xét, quyết định cho phù hợp thực tiễn đối với một số chức danh đặc thù, như cán bộ Hội Cựu chiến binh, Mặt trận. Riêng các chức danh công chức xã, công an xã, quân sự xã thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.

Nhằm tạo điều kiện cho 20 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới sớm hoàn thành tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị - xã hội, ngay trong quý IV/2014, tỉnh Khánh Hòa tổ chức mở lớp đào tạo, bồi dưỡng tin học, quản lý nhà nước, sơ cấp lý luận chính trị, tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức các xã này.

Về giải pháp căn cơ, Sở Nội vụ Khánh Hòa cho rằng, các địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ xã được học tập, đạt chuẩn về văn hóa, chuyên môn. Sở Nội vụ cũng yêu cầu các địa phương xây dựng phương án về chế độ và giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức cấp xã lớn tuổi thôi việc khi không có khả năng “trả nợ” chuẩn theo quy định…

 
Theo Agroviet.gov.vn