Cần có chính sách hỗ trợ nông dân

Năm 2012, những khó khăn chung của nền kinh tế tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp. Nông dân là những người trực tiếp làm ra sản phẩm đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn. Thực trạng này, đòi hỏi Nhà nước cần có chính sách cụ thể hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống.
 

Bạn đọc Trần Minh (Cần Thơ): Những năm gần đây, có thời điểm, giá lúa, gạo tăng cao, nhưng bà con nông dân lại lo lắng nhiều hơn. Bởi vì, giá cả nhiều loại vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón đã tăng gấp ba, bốn lần so với trước. Người nông dân bao phen phải lao đao do không định hình được việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý để có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có những chuyển đổi "không hợp thời" làm nhiều nông dân phải ôm nợ, vì trúng mùa nhưng bị rớt giá do không định hướng được "đầu ra". Giá nhiều loại nông sản lên cao, nhưng nhiều nông dân không được hưởng, vì phần lớn lợi nhuận rơi vào túi tư thương và nhiều khâu trung gian khác trong quá trình phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Và khó khăn càng chồng chất khi dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi xảy ra những năm gần đây. Hệ quả, rất nhiều nông dân quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà nghèo vẫn hoàn nghèo.

Bạn đọc Hùng Yên (Khánh Hòa): Có tận mắt chứng kiến quá trình làm ra hạt lúa mới thấu hiểu nỗi khổ của nông dân. Nhưng đến khi thu hoạch, điệp khúc buồn muôn thuở "trúng mùa - mất giá" lại tái diễn. Lúa tồn đọng nhiều cho nên thương lái luôn tìm cách hạ giá. Tới lúc đáo hạn nợ ngân hàng, nông dân phải bán lúa giá rẻ. Rồi năm nào cũng như năm nào, thiên tai cứ treo lơ lửng trên đầu. Mỗi năm có hàng chục cơn bão, cộng thêm lũ, lụt, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống của nông dân. Có năm, ở ÐBSCL, nước lũ lên nhanh, nhiều tuyến đê bị vỡ, hàng nghìn ha lúa bị nhấn chìm trong nước lũ. Nhìn dòng nước lũ cuồn cuộn chảy xiết trên đầu ngọn lúa, không khỏi xót xa. Nông dân một nắng hai sương, làm ra hạt lúa vừa nuôi sống bản thân và gia đình, vừa góp phần ổn định an ninh lương thực cho đất nước phát triển, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn chồng chất.

Bạn đọc Hoàng Lam (An Giang): Mặc dù có nhiều mô hình liên doanh liên kết, song trên thực tế, nông dân vẫn đang phải tự xoay sở, tìm cách tiêu thụ hàng nông sản, kể cả khi được mùa hay mất mùa. Do đặc thù của sản xuất nông nghiệp có tính thời vụ cao, giá cả biến động, trong khi khả năng tiếp cận thông tin cũng như đàm phán về giá cả các mặt hàng của người nông dân còn hạn chế... Mong muốn của người dân là Nhà nước cần có phương thức hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thật sự hướng tới người nghèo và nông dân sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình. Cần làm tốt công tác dự tính, dự báo thị trường hàng hóa có kỳ hạn giúp cho người nông dân biết được giá cả và lựa chọn thời điểm có lợi nhất để tiêu thụ nông sản.

Bạn đọc Hoàng Vân (Bắc Giang): Hiện nay, Việt Nam đang tích cực hội nhập với kinh tế thế giới, nhưng người nông dân sản xuất quy mô nhỏ vẫn đang loay hoay tìm cách phát triển. Thực tế diễn ra trong nhiều năm qua là mất mùa người nông dân cũng thiệt, mà được mùa  người dân cũng không được hưởng lợi. Ðể hỗ trợ cho người nông dân phát triển sản xuất, giảm thiểu rủi ro, cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân và nông thôn trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, khắc phục thiên tai, dịch bệnh. Có chính sách khuyến khích, đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp với quy mô lớn, tập trung để tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

 Theo nhandan.org.vn