Cần giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
- Thứ tư - 09/04/2014 10:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều ý kiến ghi nhận trong tiến trình đổi mới, nông nghiệp và nông thôn nước ta có những thành tựu đáng ghi nhận như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thuỷ sản đều có tốc độ phát triển khá nhanh. Kim ngạch xuất khẩu, nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc (đạt 27,54 tỉ USD), xuất siêu khoảng 10 tỉ USD (năm 2012). Đã có những mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn; đời sống nông dân và bộ mặt kinh tế nông thôn được cải thiện đáng kể, các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ đổi mới từng bước phù hợp với kinh tế thị trường… Những thành quả đạt được đều có phần đóng góp quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN) được thể hiện ở việc gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp ở mức 20 – 30%.
Tuy nhiên, tại phiên giải trình, một số ý kiến đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết ai chịu trách nhiệm và giải pháp tháo gỡ tình trạng thuốc bảo vệ thực vật giả, phân bón giả, thuốc thú ý giả, giống cây giả làm kém chất lượng cây trồng, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của nhân dân, bên cạnh đó ngành chăn nuôi còn nhiều yếu kém. Đầu vào của thức ăn chăn nuôi phụ thuộc lớn vào vấn đề nhập khẩu với chi phí sản xuất cao, giá thức ăn chiếm tới 65 đến 70% giá thành sản phẩm so với các nước trong khu vực, chất lượng con giống chưa cao; chăn nuôi manh mún nhỏ lẻ… Đồng thời, chất vấn quan điểm của Bộ khi ngành Nông nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào tiến trình hội nhập quốc tế một cách hiệu quả thì phải làm gì để chủ động trong hoạt động hội nhập.
Thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm để xảy ra tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết thời gian qua Bộ rất chú ý đến vấn đề này và xác định việc tăng cường quản lí nhà nước về vật tư nông nghiệp cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành…
Ngành mà Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan ngại là chăn nuôi, lĩnh vực yếu nhất của nông nghiệp nước ta. Bộ xác định một mặt khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô lớn hơn ở các cơ sở chăn nuôi công nghiệp để có điều kiện áp dụng khoa học kĩ thuật và làm ra sản phẩm năng suất, chất lượng cao cạnh tranh quốc tế, đồng thời phải tìm cách để hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi duy trì sản xuất có nguồn thu nhập, đồng thời, tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn và có chất lượng, hiệu quả. Giải pháp trước mắt phải tìm mọi cách tăng thu nhập nhưng đồng thời tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn có chất lượng. Không loại bỏ ngay chăn nuôi nhỏ lẻ. Mặt khác, chỉ đạo, phổ biến cho nhân dân giống vật nuôi đạt công nghệ, phát huy loại vật nuôi của nước ta và lợi thế của từng vùng.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường Nguyễn Quân cho biết, thức ăn chăn nuôi là vấn đề bức xúc, nhưng nhiều năm qua gần như chưa có công trình nghiên cứu nào, hiện chúng ta đang phải nhập khẩu và phụ thuộc hoàn toàn vào thức ăn chăn nuôi của nước ngoài.
Tham dự phiên giải trình, các nhà khoa học cho biết, hiện tình trạng chảy máu chất xám trong các Viện Nghiên cứu đang xảy ra nhiều. Trong khi đó việc nông dân tiếp cận với khoa học, công nghệ cũng thiếu.
Liên quan đến giải pháp nhằm tăng giá trị xuất khẩu nông sản, bảo đảm quyền lợi cho người nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, ngành Nông nghiệp của nước ta thời gian qua đạt nhiều thành tựu, nhưng cần có sự điều chỉnh và tái cơ cấu mạnh mẽ. Phải thay đổi nhận thức làm nông nghiệp không chỉ tiêu dùng trong nước mà phải là sản xuất hàng hóa, khai thác lợi thế của Việt Nam để cạnh tranh với thế giới. Nhà nước phải nghiên cứu, cùng với các tổ chức, cá nhân tạo ra nhiều sản phẩm khoa học, chuyển giao cho nông dân công nghệ khoa học tiên tiến, mới có thể cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Đề cập vấn đề chiến lược phát triển Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng. Nếu cứ tiếp tục phát triển theo chiều rộng thì hiệu quả sẽ hạn chế. Đã đến lúc phải chuyển biến mạnh hơn. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, việc tiếp tục đổi mới, vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục triển khai thực hiện, phù hợp với quá trình đổi mới hội nhập quốc tế. Khoa học công nghệ là khâu then chốt nâng cao chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh. Hàm lượng khoa học công nghệ có ý nghĩa quan trọng. Dựa vào việc phát huy khả năng của hộ nông dân là chính, đến nay tiềm năng đã được phát huy cao độ.
Theo nguoicaotuoi.org.vn