Cần khai thác có hiệu quả nhà văn hoá ở nông thôn
- Chủ nhật - 22/02/2015 19:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Để phong trào xây dựng nông thôn mới được nhân rộng, và nhiều nơi đạt các tiêu chí của nông thôn mới văn minh, hiện đại mà vẫn giữ gìn bản sắc văn hoá đặc trưng của vùng quê, ngoài sự cố gắng nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân, rất cần một nơi sinh hoạt cộng đồng để bản sắc văn hoá vùng quê ấy được gìn giữ và có dịp phát huy. Nhà văn hoá cụm dân cư ở nông thôn là một địa chỉ như thế.
Nhà văn hoá khu dân cư là nơi diễn ra nhiều hoạt động chung của cộng đồng. Đó là nơi hội họp, sinh hoạt của các ban ngành đoàn thể. Đó còn là nơi tổ chức các sự kiện văn hoá của thôn như biểu diễn văn nghệ mỗi dịp kỷ niệm lớn; là nơi các cụ tập dưỡng sinh mỗi buổi sáng, nơi thanh thiếu niên chơi thể thao mỗi buổi chiều; nơi buổi tối câu lạc bộ thơ người cao tuổi hội họp hoặc các buổi sinh hoạt tập thể của Đoàn viên thanh niên. Đó còn là nơi tổ chức các đám cưới theo đời sống mới ở nông thôn… Biết bao hoạt động ý nghĩa của cộng đồng cần được triển khai tại nhà văn hóa.
Vì là nơi diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như thế, nên mấy năm gần đây, trong các khu dân cư ở nông thôn đều được cấp kinh phí xây dựng một nhà văn hoá. Số tiền để xây nhà văn hóa không ít, quỹ đất để xây dựng trong thời buổi “tấc đất tấc vàng” là cả một vấn đề. Nhưng cuối cùng, do nỗ lực của địa phương và các cấp nên mỗi cụm dân cư đều có một nhà văn hoá khang trang đẹp đẽ.
Phải nói rằng, nhiều nơi đã xây dựng thành công các tiêu chí của Nông thôn mới nhờ đã biết khai thác tốt hiệu quả của Nhà văn hóa thôn. Bởi những cụm dân cư nơi đó đều có nhà văn hóa khang trang sạch đẹp, có tường bao quanh, sân rộng đủ để tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ của nhân dân. Buổi sáng, các cụ Câu lạc bộ dưỡng sinh tập thể thao, chơi bóng chuyền cầu lông, chiều đến thanh niên tổ chức các hoạt động thể thao lành mạnh. Mỗi Nhà văn hóa có 1 tủ sách dùng chung, mọi người đều có thể vào đó mượn đọc. Trong các dịp kỷ niệm lớn, sân Nhà văn hóa là nơi tổ chức văn nghệ buổi tối. Đến mùa lễ hội, Nhà văn hóa thôn là nơi tập trung quân rước lễ lên đình chùa. Nhà văn hóa các thôn còn là nơi diễn ra các cuộc họp quân dân chính, triển khai các nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước đến với nhân dân. Đây còn là nơi diễn ra các cuộc họp xây dựng hương ước của làng theo đời sống mới; là nơi đặt trạm phát thanh của thôn tuyên dương những tấm gương điển hình trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” kịp thời để nhân rộng trong đời sống khu dân cư, đồng thời nhắc nhở chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện chưa tốt, lệch lạc, trái với thuần phong mỹ tục và quy ước của làng văn hoá. Nhà văn hoá còn là nơi để câu lạc bộ thơ sinh hoạt, là nơi tổ chức CLB hát dân ca của thiếu nhi trong thôn, là nơi diễn ra các cuộc thi “trò chơi dân gian” của một số đoàn thể khác… Do vậy, lãnh đạo thôn cần biết phát huy thế mạnh của nhà văn hoá thôn để đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên
Nhìn chung sau khi xây dựng, phần lớn các nhà văn hóa này đều đưa vào sử dụng đúng tiến độ và phát huy tác dụng của nó như đã nói. Nhưng đáng buồn vẫn còn nhiều nơi, nhà văn hoá xây dựng đã lâu mà vẫn chưa đưa vào sử dụng, hoặc khai thác chưa hết tác dụng của nhà văn hóa. Thực tế ở những xã đang xây dựng Nông thôn mới, mỗi thôn đều được xây một nhà văn hoá to đẹp theo 1 mẫu chung, nhưng không phải ở đâu cũng khai thác hết tác dụng của nhà văn hoá. Cá biệt có nơi còn tập kết vật liệu xây dựng rất mất mỹ quan, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động văn hoá như tập dưỡng sinh của hội Người cao tuổi hay thể dục thể thao của thanh thiếu niên. Nếu Nhà văn hóa không được sử dụng đúng mục đích vừa gây lãng phí lại đem bức xúc đến cho người dân. Thanh thiếu niên thiếu chỗ giải trí, chơi thể thao, trẻ em thiếu sân chơi dẫn đến sa vào các quán nét hoặc các tệ nạn xã hội khác gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa.
Nhà văn hóa cụm dân cư là một mô hình tốt, bởi không những diễn ra các hoạt động văn hoá chung của cộng đồng dân cư, mà còn là nơi phát huy những giá trị tinh thần có tính chất truyền thống văn hoá của địa phương, giúp nhân dân nâng cao đời sống văn hoá đặc biệt đời sống tinh thần. Mong rằng các cấp chính quyền ở nông thôn cần phát huy tối đa tác dụng của nhà văn hoá thôn. Đó chính là một mảng lớn để xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới ngày một tiến bộ.
Nguyễn Thị Diệp
(Hiệu trưởng Trường THCS Di Trạch - Hoài Đức - Hà Nội)
Theo dantri.com.vn