Cần liên kết chặt chẽ trong nuôi cá tra

Cần liên kết chặt chẽ trong nuôi cá tra
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), suốt 4 tháng liên tiếp, từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra giảm 6-17,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến hết tháng 6, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 961,6 triệu USD, giảm 4,1% so với nửa đầu năm trước.
Mức giá cá xuống đáy chủ yếu rơi vào những trường hợp đào ao tự phát, bán cho thương lái, bị ép giá

 

VASEP nêu rõ tác động của việc tăng thuế bán phá giá trong đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đã ảnh hưởng rõ nét hơn tới xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ. Tháng 4, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt POR14 đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn 1/8/2016-31/7/2017. Mức thuế cuối cùng này tăng cao hơn nhiều so với kết quả sơ bộ đã được công bố hồi tháng 9/2018.

Dự báo trong quý III/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này cũng khó có thể tăng so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo của cá tra Việt Nam là Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) cũng không mấy khả quan, có chiều hướng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các năm trước. Tính đến hết tháng 6, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 254,3 triệu USD, tăng 1,2%, chiếm 26,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận tình hình hiện nay những nơi nào nuôi trồng cá tra có liên kết chặt chẽ, theo dõi thường xuyên thì giá cả vẫn ổn định, người nuôi có lãi. Những nơi dân tự phát đào ao thả cá, không có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp mới không bán được.

“Thực tế, lượng hàng hóa và chuỗi liên kết cơ bản ổn định, không có gia tăng đột phá về thị trường. Mức giá cá xuống đáy chủ yếu rơi vào những trường hợp đào ao tự phát, bán cho thương lái, bị ép giá. Năm 2018, giá cá tra tăng, diện tích trồng lúa không hiệu quả được người dân chuyển đổi sang đào ao nuôi cá tra khá nhiều”, ông Trần Đình Luân nói.

Theo ông Trần Đình Luân nhận định, hiện nay, định hướng là tiếp tục đẩy mạnh mở rộng thị trường Trung Quốc theo hướng xuất khẩu chính ngạch, tạo cung cầu ổn định lâu dài.

Ngoài ra, xuất khẩu cá tra còn phải mở rộng sang các thị trường khác, đặc biệt là thị trường trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Theo Đỗ Hương/baochinhphu.vn