Cần minh bạch, công bằng trong dồn thửa, đổi ruộng
- Thứ ba - 27/06/2017 22:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hơn 80% số hộ nông dân có diện tích canh tác dưới 1ha và bình quân mỗi hộ có hơn bốn thửa. Chính sự phân tán này khiến cho nền nông nghiệp và nhiều hộ nông dân tiếp tục gặp khó do tình trạng tự phát trong tổ chức sản xuất; hạn chế năng lực và cơ hội đầu tư, trình độ công nghệ và khép kín chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông nghiệp, nông sản… Công tác "dồn thửa, đổi ruộng" hay "dồn điền, đổi thửa" như cách nói khác, là hình thức tạo mặt bằng canh tác tập trung, tuy không làm tăng quy mô ruộng đất của nông hộ, nhưng cho phép "hợp khối", liền mảnh, tăng diện tích trên một thửa ruộng và khắc phục đáng kể tình trạng phân tán, xé nhỏ do cách giao ruộng khoán kiểu "có gần có xa, có tốt có xấu" cho hộ xã viên của hợp tác xã trước đây. Nhờ làm tốt công tác này, nhiều địa phương đã giảm được từ 20-30% số thửa ruộng trên địa bàn và góp phần giảm được chi phí, tạo thuận lợi cho các hộ nông dân trong tổ chức sản xuất, cũng như cho việc tiến hành quy hoạch lại đồng ruộng, quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu đưa cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, làm tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai công tác "dồn thửa, đổi ruộng" ở từng địa phương, cũng như trên phạm vi cả nước vẫn còn không ít hiện tượng sai phạm khiến dư luận bức xúc và nhiều cán bộ đã bị xử lý kỷ luật. Rõ nhất là tình trạng mất dân chủ, thiếu minh bạch và thiếu công bằng; cán bộ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, cố tình chia thừa đất cho gia đình mình và người thân, chia thiếu đất cho dân và lấn chiếm đất công; thậm chí, buông lỏng quản lý cho một số đối tượng xấu kích động, ngăn chặn, dọa nạt khiến dân hoang mang, ruộng bị bỏ hoang. Công tác đo đạc lập bản đồ địa chính hoặc chỉnh lý biến động bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau khi "dồn thửa, đổi ruộng" chưa nhanh, gọn, kịp thời để người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Thực tế cũng cho thấy, cùng với việc "dồn thửa, đổi ruộng", hợp lý hóa giao đất nông nghiệp này, các địa phương cần khuyến khích các hộ nông dân tự nguyện góp quyền sử dụng đất và tổ chức hợp tác sản xuất, tạo ra cánh đồng mẫu lớn; hoặc liên kết với doanh nghiệp để đầu tư vốn, máy móc, giống chất lượng cao, công nghệ và biện pháp thâm canh tiên tiến, bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng chặt chẽ và được Nhà nước bảo hộ về pháp lý, hỗ trợ về hạ tầng và các chính sách đồng bộ khác… Từ đó, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp một cách chủ động, có kế hoạch và theo quy hoạch ổn định, gắn với bảo vệ quyền sử dụng đất của người dân, bảo vệ an ninh lương thực quốc gia, môi trường và sự ổn định chính trị, sự đoàn kết và đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của cả nông dân và doanh nghiệp, tăng cường quản lý nhà nước, định hình và phát triển khép kín các chuỗi liên kết nông nghiệp và phát triển nông nghiệp bền vững theo đúng định hướng XHCN mà Ðảng đã nêu ra. Quá trình này chỉ được coi là thành công khi diễn ra có tổ chức và chỉ đạo thống nhất, được giám sát chặt chẽ từ trên xuống; có phương án minh bạch, công khai, hợp lý hợp tình, phù hợp điều kiện tự nhiên chung ở địa phương; giảm được số lượng và tăng diện tích của các thửa ruộng do mỗi hộ quản lý; tránh mọi sự lạm dụng và bảo đảm hài hòa lợi ích, bảo đảm dân chủ, được người dân đồng thuận, tự nguyện thực hiện và tạo được động lực mới cho phát triển nông nghiệp nói riêng, toàn bộ nền kinh tế-xã hội đất nước nói chung trong bối cảnh cần đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, chủ động hội nhập quốc tế…! |
TS NGUYỄN MINH PHONG http://www.nhandan.com.vn |