Cần nhất là được dân tin
- Thứ hai - 29/12/2014 02:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
PV: Được biết, đến hết năm 2014, tỉnh Thái Bình đã có 85 xã cán đích "chuẩn Quốc gia nông thôn mới”. Có lẽ chưa tỉnh nào trên cả nước có được kết quả ấn tượng này. Thái Bình đã làm gì và bằng cách nào để có được kết quả đó, thưa ông?
Ông Vũ Đức Hạnh: Ở Thái Bình, vấn đề "tam nông” luôn có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi hơn 80% dân số của tỉnh thuộc khu vực này. Ban đầu, khi tiếp cận Chương trình XD NTM, cán bộ và người dân ở Thái Bình nhìn chung đều lúng túng, chưa hình dung được sẽ phải làm gì, bằng cách nào, bắt đầu từ đâu? Tuy nhiên, khi đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa to lớn của Chương trình, toàn tỉnh đã đồng lòng, hợp sức, tự tin làm NTM, với cách làm xuyên suốt là phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận và bám sát phương châm "nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”…
Tôi xin chia sẻ, Thái Bình từng có thời kỳ để xảy ra mất an ninh nông thôn. Nguyên nhân sâu xa được xác định vấn đề dân chủ khi đó đã không được đảm bảo, tôn trọng. Từ bài học này, khi triển khai XD NTM, Thái Bình đặc biệt coi trọng việc thực thi dân chủ. Điều này được thể hiện xuyên suốt trong công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; chỉ đạo, điều hành của chính quyền và trong công tác tuyên truyền, vận động của cả hệ thống chính trị, trong đó có Mặt trận. Trên thực tế, các công trình, phần việc cụ thể đều do người dân ở các KDC bàn thảo, quyết định, nhất là liên quan đến nghĩa vụ đóng góp; trên nguyên tắc mọi việc chỉ được thực hiện khi có sự đồng thuận, thống nhất của đa số. Vai trò chủ thể, sự chủ động của người dân Thái Bình trong XD NTM do vậy được thể hiện rất rõ. Đa số người dân đều nhận thức được tham gia XD NTM là để phục vụ cho chính mình; từ đó đồng thuận, tự nguyện đóng góp trí tuệ, tiền bạc, ngày công thực hiện. Quá trình triển khai cũng có nơi này, nơi kia để xảy ra mâu thuẫn nhưng theo tôi đó chỉ là những trường hợp cá biệt.
Tôi đơn cử, triển khai XD NTM, đến nay ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương khoảng 1.500 tỷ đồng, phần lớn trong số này tỉnh hỗ trợ thông qua hình thức cấp xi-măng cho các địa phương làm đường giao thông nông thôn, theo cơ chế làm nhiều được hỗ trợ nhiều và ngược lại, không làm không được hỗ trợ. So với nhu cầu, nguồn hỗ trợ này chỉ mang ý nghĩa "vốn mồi”. Nhưng trên tinh thần đồng thuận, tự nguyện, thời gian qua nhân dân ở các địa phương XD NTM trong tỉnh đã đóng góp thêm tới gần 5000 tỷ đồng, thông qua nhiều hình thức như đóng góp tiền mặt, ngày công, hiến đất; qua đó làm mới, nâng cấp được tổng cộng 4000 km đường giao thông nông thôn. Hàng chục nghìn hộ gia đình đã tự nguyện tháo dỡ tường rào, công trình, hiến đất cho thôn xóm mở rộng, nâng cấp đường. Có hộ gia đình từng có con em hy sinh trong kháng chiến nay tiếp tục ủng hộ cho làng cho xã hàng trăm triệu đồng để làm đường. Khi chúng tôi tới thăm họ chia sẻ, máu xương họ còn hiến được huống hồ tiền bạc. Rất cảm động!
Cùng cả hệ thống chính trị, Mặt trận tỉnh Thái Bình đã thể hiện vai trò của mình ra sao trong quá trình thực hiện chủ trương lớn, quan trọng này, thưa ông?
- Ngoài phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bằng nhiều hình thức, giúp cán bộ, người dân trong tỉnh hiểu rõ phương châm, cơ chế, quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia XD NTM; Mặt trận địa phương đã phối hợp chủ trì, tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn để nhân dân bàn thảo, quyết định những nội dung, vấn đề cụ thể, qua đó vừa đảm bảo, phát huy dân chủ vừa tranh thủ nguồn lực trí tuệ trong các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt ủng hộ, đóng góp tiền của, công sức thực hiện. Quá trình triển khai Mặt trận phát huy vai trò giám sát của mình thông qua hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, đảm bảo các công trình, phần việc được thực thi đúng quy định, mục đích, chất lượng; những vi phạm, sai sót được kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý. Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp trong tỉnh thường xuyên duy trì, nâng cao chất lượng các phong trào, các CVĐ gắn với phong trào XD NTM, nhất là các CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, "Ngày vì người nghèo”. Đơn cử, vừa qua Mặt trận tỉnh triển khai chương trình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, bước đầu thực hiện tại các xã đang triển khai XD NTM, thông qua việc quyên góp tặng bò giống, với mong muốn giúp các hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững, thiết thực giúp các địa phương XD NTM giảm được tỷ lệ hộ nghèo vốn là một trong những tiêu chí NTM không dễ thực hiện với nhiều địa phương…
Thưa ông, qua câu chuyện sức dân ở Thái Bình, những người làm công tác Mặt trận ở địa phương rút ra được điều gì cho công tác của mình?
- Thành quả bước đầu Thái Bình đạt được trong XD NTM từ sức dân thêm một lần nữa nhắc nhở sức dân vô cùng to lớn nếu biết phát huy. Mặt trận đang đảm nhận một việc rất quan trọng, ý nghĩa đó là đoàn kết, tập hợp, phát huy sức mạnh từ các tầng lớp nhân dân. Chính vì vậy, đã làm công tác này cán bộ không được quên, sao nhãng việc gần dân, sát dân, nói và làm những điều để dân tin yêu, từ đó gắn bó hơn với đoàn thể, đoàn kết hơn trong Mặt trận.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo: daidoanket.vn