Cần tiếp tục phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả
- Thứ tư - 25/12/2019 00:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tăng cường kết nối giao hương sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo chuỗi để đạt hiệu quả cao. Ảnh: Thiện Tâm |
Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện Hà Nội có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Đồng thời đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng của Thủ đô trong 1 tháng là rất lớn, mức tiêu thụ trung bình khoảng trên 300.000 tấn lương thực, thực phẩm nông lâm thủy sản. Khả năng sản xuất đáp ứng các mặt hàng thiết yếu về sản phẩm thực phẩm trên địa bàn Thành phố, thịt lợn, thịt gà Hà Nội sản xuất cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Các mặt hàng khác như: Gạo chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu; thủy, hải sản tươi, đông lạnh đáp ứng 3%; thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm đáp ứng được rất ít, rau, củ đáp ứng được khoảng 55,7%. Số lượng còn lại nhập tại các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.
Ngoài ra Thành phố được mệnh danh là “đất trăm nghề”, nên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nhằm phát huy lợi thế, công tác tuyên truyền phát triển du lịch gắn với những cánh đồng lúa, vườn cây ăn quả, làng nghề truyền thống, trang trại, miệt vườn được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo tinh túy của các nghệ nhân làng nghề qua từng tác phẩm độc đáo tạo ra sự mê hoặc cho khách hàng.
Thời gian gần đây, Hà Nội hình thành nhiều mô hình trang trại sinh thái gắn với du lịch, giáo dục, cung cấp đầy đủ các tiện ích tạo điều kiện cho du khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống nhà nông, gần gũi với thiên nhiên, mô hình du lịch nông nghiệp đã đem lại nhiều giá trị tích cực về vấn đề tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần gìn giữ nghề nông nghiệp truyền thống và duy trì sản vật địa phương có giá trị…
Vì vậy, theo ông Tạ Văn Tường, để các sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô phát triển trong thời gian tới Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, tạo vành đai xanh, góp phần phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, trọng tâm là sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản (cam canh, bưởi diễn, nhãn chín muộn, chuối nuôi cấy mô); chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất giống, chăn nuôi bò thịt, bò sữa, nuôi thâm canh thủy sản.
Tăng cường đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp và quản lý từ Thành phố đến cơ sở đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường tổ chức đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, tạo thêm việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch OCOP (mỗi xã mỗi sản phẩm); tổ chức các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước.
Triển khai thực hiện Dự án “Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020”
Để phát huy hơn nữa, theo ông Tạ Văn Tường, Chi cục Phát triển nông thôn cần tập trung tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân biết và triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính Phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Các Quyết định của UBND thành phố Hà Nội hướng dẫn triển khai Nghị định liên kết.
Phối hợp với các địa phương tiếp tục tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông sản an toàn của Hà Nội và giới thiệu các công nghệ tiên tiến áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời để người dân Thủ đô, du khách các tổ chức, cá nhân biết, thưởng thức và kết nối giao thương.
Báo cáo kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện gửi về Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét, giải quyết và xin ý kiến cấp trên nếu vượt thẩm quyền.
Các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại, cơ sở sản xuất cần tăng cường hợp tác, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ trong quá trình tổ chức thực hiện.
Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn