“Cánh đồng mẫu dừa” góp phần xây dựng nông thôn mới

“Cánh đồng mẫu dừa” góp phần xây dựng nông thôn mới
Mô hình “cánh đồng mẫu dừa”(CĐMD) ở huyện Giồng Trôm (Bến Tre) đang mang lại hiệu quả cao. Ngoài việc tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân, giảm các chi phí trung gian, bảo đảm việc tiêu thụ dừa, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân, CĐMD còn góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới.

 

Cần nhân rộng “cánh đồng mẫu dừa”

Là cây trồng có nhiều ưu thế hơn so với các loại cây trồng khác trên đất Bến Tre, song mấy năm gần đây, giá dừa liên tục tuột dốc làm người trồng hoang mang. Nhiều hộ trồng dừa chuyển sang bán dừa tươi uống nước, một số hộ neo trái quá khô hoặc để dừa tự rụng làm ảnh hưởng đến năng suất vụ sau. Thậm chí, một số hộ đốn bỏ bớt để thay thế cây trồng khác.

Từ khi áp dụng CĐMD, dù thị trường có tác động như thế nào, người trồng dừa vẫn có thể tiêu thụ sản phẩm, có thu nhập tương đối ổn định thông qua sự liên kết hỗ trợ và có cam kết với Công ty trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ. Anh Hồ Quang Phong – Quản lý cơ sở thu mua dừa Công ty xuất khẩu dừa Bến Tre cho biết: “Doanh nghiệp đã áp dụng phương thức thu mua cạnh tranh bằng cách đưa thương lái trong tổ liên kết trực tiếp thu mua tại vườn. Vì thế, việc giá cả giữa các thương lái tạm đi vào ổn định. Giá dừa thời điểm này là trên 80.000 đồng/chục”.

Cơ sở thu mua dừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương

Theo ông Hùng, mô hình “cánh đồng mẫu dừa” còn nhằm mục đích thâm canh. Tham gia mô hình này, bà con có thể áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật bằng cách trồng xen canh, nuôi xen, như mô hình trồng xen ca cao, măng cụt, cam, chanh, bưởi… trong vườn; nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa, nuôi bò, gà, ong… nhằm ổn định kinh tế sản xuất nông nghiệp, người trồng dừa có thu nhập thường xuyên.

Toàn xã Châu Bình có 9 tổ quản lý trên 9 ấp, 29 tổ sản xuất. Tổ có diện tích thấp nhất là 33 ha và cao nhất là 55 ha. Nhiều hộ có mô hình vườn dừa trồng xen, nuôi xen có hiệu quả như mô hình gà thả vườn của anh Đặng Minh Trung (ấp Bình Thạnh), nuôi tôm càng xanh của ông Võ Văn Bé Mười ở ấp Bình Đông B. Đặc biệt anh Nguyễn Phương Kha, trên bờ trồng xen, kết hợp nuôi ong và nuôi tôm càng xanh dưới mương rãnh. Tuy còn trẻ nhưng anh đã sở hữu 55 thùng ong mật. Mỗi tháng thu từ 15 - 20 lít mật (120.000 đồng/lít). Bình quân mỗi tháng anh tăng thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng. Anh Kha cho biết, dừa cho trái quanh năm nên đủ lượng hoa để ong hút mật. Bên cạnh đó, các loại cây như xoài, bưởi, ca cao sẽ giúp ong tìm mật nhanh hơn và thụ phấn cho hoa, lợi cả hai mặt cho người nuôi và trồng vườn. Còn đối với ông Võ Văn Bé Mười, 10 công vườn dừa mẫu kết hợp nuôi tôm càng xanh, mỗi năm thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng mà không cần tốn hao thức ăn.

Góp phần xây dựng nông thôn mới

Đây là lần đầu tiên nhóm nông dân xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm tham gia chương trình cánh đồng mẫu dừa lớn tại địa phương mình và là tháng thứ 7 cùng với Công ty cổ phần chế biến sơ dừa 25/8, Công ty TNHH phân bón Hiệp Thanh, Công ty xuất nhập khẩu Bến Tre thực hiện mô hình. Ban đầu mô hình chỉ vài chục ha, nay đã lên 1.295 ha với 1.755 hộ tham gia.  Sắp tới mô hình sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa tại xã điểm nông thôn mới này.

Hiện Công ty xuất khẩu dừa Bến Tre đã thành lập một cơ sở thu mua, sơ chế dừa trái trên địa bàn xã, 2 vệ tinh trực tiếp tại địa phương và đã đi vào hoạt động. Đến nay sản lượng thu mua 1000 trái/ngày với giá 80.000 đồng/chục (12 trái), sản phẩm sơ chế 1.500-2000kg cơm dừa tươi, tạo việc làm cho 45 công nhân tại địa phương với thu nhập ổn định 3 triệu đồng/tháng.

Diện tích dừa tham gia mô hình “cánh đồng mẫu dừa” ngày càng tăng và hiệu quả kinh tế cũng thay đổi rõ rệt, qua đó cho thấy chủ trương này là đúng đắn, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Kiều Ngân
Theo  giaoducthoidai.vn