Cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo

LSO-Trong vòng một tháng sau khi có Quyết định số 1996 của Thủ tướng Chính phủ (quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức biên chế của Văn phòng Điều phối), Lạng Sơn đã kiện toàn bộ máy Văn phòng Điều phối từ tỉnh đến huyện và bố trí công chức chuyên trách cấp xã.
Nông dân xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình xây dựng nhà văn hóa thôn

Trở lại thời gian đầu triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, lúc này toàn quốc chưa có mô hình thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Để giúp việc cho Ban chỉ đạo, năm 2010, Văn phòng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn được thành lập. Văn phòng này được hình thành với thành phần chủ yếu là cán bộ của Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).

Mặc dù đã tham mưu, giúp Ban chỉ đạo thực hiện được một số việc, song mô hình này đã bộc lộ nhiều hạn chế. Vai trò của cán bộ kiêm nhiệm mờ nhạt và hầu như trong quãng thời gian đó, nông thôn mới gần như mặc định là việc của cơ quan thường trực, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trong rất nhiều cuộc họp của Ban chỉ đạo lúc bấy giờ, vấn đề nóng nhất là hình thành  một bộ máy giúp việc Ban chỉ đạo có đủ năng lực tham mưu trên tất cả các lĩnh vực và là đầu mối điều phối công việc, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới.

Năm 2012, UBND tỉnh đã thành lập Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011-2020. Đây có thể coi là mô hình mới, thể hiện sự năng động sáng tạo của Lạng Sơn. Trong bối cảnh chưa bố trí, sắp xếp được biên chế, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định biệt phái 12 cán bộ công chức từ các ban, ngành đoàn thể đến công tác tại Văn phòng theo chế độ chuyên trách với các bộ phận hành chính – tổng hợp; kinh tế - hạ tầng và phát triển nông thôn; tuyên truyền.

Ngay sau khi đi vào hoạt động, Văn phòng Điều phối đã phát huy được vai trò của mình. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới đã nhuần nhuyễn hơn. Cũng trong thời điểm này, tỉnh đã chỉ đạo các huyện bố trí cán bộ chuyên trách về xây dựng nông thôn mới tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Qua kiểm tra, đôn đốc và thông tin kịp thời từ cơ sở, Văn phòng Điều phối đã tham mưu giúp Ban chỉ đạo tỉnh phân công, điều phối công việc liên quan đến các ngành, kịp thời  thông tin, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.

Việc huy động nguồn lực cũng tập trung và đúng hướng hơn. Nhiều doanh nghiệp cho biết, trước đây muốn chung tay hỗ trợ cơ sở xây dựng nông thôn mới nhưng không nắm rõ chủ trương, kế hoạch của Ban chỉ đạo, vì vậy hỗ trợ chưa đúng trọng tâm, trọng điểm. Nay thông qua Văn phòng Điều phối, nguồn lực của doanh nghiệp đã được hướng vào các xã tập trung chỉ đạo; công tác tuyên truyền vận động của các đoàn thể cũng tập trung hơn... Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh dần trở thành cuộc vận động lớn trong toàn xã hội.

Tuy nhiên, mô hình Văn phòng Điều phối này vẫn có nhiều hạn chế. Hạn chế lớn nhất là đội ngũ cán bộ đều làm việc theo chế độ biệt phái, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và khó khăn trong công tác bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ làm nông thôn mới. Trong suốt quá trình đó, đồng chí Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh về xây dựng nông thôn mới đã chỉ đạo các ngành tham mưu để xây dựng mô hình Văn phòng hiệu quả, hợp lý hơn. Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh cũng đã trực tiếp làm việc, đôn đốc và chỉ đạo Văn phòng Điều phối.

Đầu năm 2014, tại các phiên họp của UBND tỉnh, ngành hữu quan đã trình một số phương án sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của Văn phòng Điều phối. Tuy nhiên, điểm khó ở đây là cả nước chưa có mô hình thống nhất. Ngày 4/11/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1996 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức biên chế của Văn phòng Điều phối. Quyết định đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và chỉ trong vòng một tháng sau đó Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn đã kiện toàn lại theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Vẫn dựa trên nền là Văn phòng Điều phối trước đây, nhưng các cán bộ không còn là biệt phái mà là điều động, từ kiêm nhiệm chuyển sang chuyên trách. Đối với cấp huyện, từ chỗ bố trí cán bộ chuyên trách, thì nay cũng đã thành lập Văn phòng điều phối cấp huyện và bố trí cán bộ chuyên trách ở cấp xã. Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh văn phòng chuyên trách chia sẻ: kiện toàn lại Văn phòng Điều phối sẽ tạo điều kiện để Văn phòng thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ như: xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát; phối hợp với các ngành xây dựng cơ chế, chính sách; tham mưu xây dựng kế hoạch, phân bổ và giám sát tình hình thực hiện các nguồn vốn; thể hiện rõ nét vai trò điều phối...

Hưởng ứng lễ phát động ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới

Những ngày này cán bộ Văn phòng Điều phối tỉnh tất bật với công việc chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc Văn phòng Điều phối nông thôn mới 2015. Một hội nghị lớn với quy mô Quốc gia được tổ chức trên địa bàn là cơ hội để Lạng Sơn trao đổi, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới từ các địa phương trong cả nước. Với Văn phòng Điều phối, ngay sau khi kiện toàn, việc tham mưu, tổ chức một hội nghị toàn quốc là cơ hội để các cán bộ thể hiện sự năng động của mình và đây cũng là cơ hội để các Văn phòng Điều phối trong cả nước gặp gỡ, chia sẻ, tích lũy thêm kinh nghiệm... Mục tiêu cao nhất là tham mưu có hiệu quả, thực sự là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Theo: baolangson.vn