Cao Bằng: Huy động nguồn lực xây dựng Nông thôn mới thay đổi diện mạo quê nghèo
- Thứ tư - 23/08/2017 09:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Ban điều hành Quỹ “Xây dựng NTM” tỉnh Cao Bằng, thực hiện Nghị quyết số 31/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của HĐND tỉnh và Quyết định số 972/QĐ-UBND ngày 8/7/2015 của UBND tỉnh về huy động nguồn lực và quy định mức hỗ trợ xây dựng NTM tỉnh, giai đoạn 2015 – 2020; Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã vận động được trên 15 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Xây dựng NTM”.
Từ nguồn Quỹ, Ban điều hành Quỹ “Xây dựng NTM” đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hỗ trợ gần 1 tỷ đồng cho các xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, huyện mua các thiết bị cần thiết cho nhà văn hóa cấp xóm, xã; gồm: Trường Hà (huyện Hà Quảng), Phong Châu (huyện Trùng Khánh), Minh Tâm (huyện Nguyên Bình), Phúc Sen (huyện Quảng Uyên), Nam Tuấn (huyện Hòa An), Hưng Đạo (TP Cao Bằng).
Hiện, toàn tỉnh đã có 5/177 xã đạt chuẩn NTM, và đang tiếp tục phấn đấu năm 2017 có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM, gồm: Nam Tuấn, Hồng Việt (huyện Hòa An); Cao Chương (huyện Trà Lĩnh); Đào Ngạn (huyện Hà Quảng).
Về thăm xã Hưng Đạo (TP Cao Bằng), đi trên những con đường trải nhựa, bê tông sạch sẽ, kiên cố, không khỏi trào dâng niềm phấn khởi trước diện mạo đổi thay của miền quê đang vươn đến sự ấm no, sung túc. Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo, ông Nông Hùng Cường cho biết: Để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, Đảng ủy, chính quyền xã phối hợp huy động các nguồn lực phục vụ XDNTM và được các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ. Từ năm 2015 đến nay, xã được Ủy ban MTTQ TP hỗ trợ 2 tỷ đồng từ nguồn Quỹ XDNTM để xây dựng các tuyến đường liên xóm và cơ sở vật chất văn hóa. Nhờ đó, diện mạo xã đã có nhiều đổi thay.
Hưng Đạo hôm nay đã có nhiều thay đổi vượt bậc, rõ nét nhất là cụm đường xóm Hồng Quang, Cao Bình, Ngọc Quyến, Đà Quận chạy trên địa bàn xã được bê tông, trải nhựa bằng phẳng. Đường trục thôn, xóm, đường nội đồng và đường ngõ xóm đều được cứng hoá với tổng chiều dài trên 30 km. Năm 2016, từ nguồn Quỹ XDNTM TP, xóm Đà Quận được hỗ trợ trên 100 triệu đồng xây dựng đường nông thôn. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", đến nay đường liên xóm đã được bê tông hóa. Ông Nguyễn Đức Ái, xóm Đà Quận phấn khởi: Trước đây, đường vào xóm nhỏ hẹp, lầy lội vào mùa mưa, việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hoá gặp nhiều khó khăn. Từ khi xã triển khai Chương trình XDNTM, với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự góp sức của nhân dân, nhiều tuyến đường liên xóm, liên xã được bê tông, điện lưới kéo về từng nhà, hạ tầng nông thôn phát triển, người dân thêm phấn khởi, có động lực phấn đấu thi đua lao động, sản xuất.
Đến với Đức Long, xã vùng biên đặc biệt khó khăn của huyện Thạch An có khởi điểm rất thấp khi bắt tay vào XDNTM (năm 2013), tuy nhiên, với thuận lợi là địa danh lịch sử cách mạng nên xã nhận được sự quan tâm đầu tư của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong cả nước. Nguồn lực này giúp xã Đức Long đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở. Đảng ủy, chính quyền xã vận động nhân dân, các cơ quan, đơn vị ủng hộ; Ủy ban MTTQ huyện trích Quỹ XDNTM để đầu tư mở mới 3 tuyến đường với tổng chiều dài 16 km vào vùng sản xuất mía nguyên liệu, tổng trị giá trên 4 tỷ đồng; Trong đó, Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp ngày công lao động, vật liệu…
Năm 2016 khép lại với nhiều chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã; Đặc biệt, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, bộ mặt nông thôn từng bước đổi thay. Hiện cả xã có 24 km đường nội đồng và kênh mương được kiên cố, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho trên 50% diện tích đất canh tác; Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế xã đạt chuẩn NTM; 100% xóm có điện và đường ô tô đến xóm… Xã đạt 11/19 tiêu chí NTM, phấn đấu đến hết năm 2017 đạt 19/19 tiêu chí NTM.
Một góc Ba bể - Cao Bằng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thạch An, ông Nông Thanh Toại cho biết: Ngay từ khi phát động, hằng năm, Quỹ XDNTM thu được trên 600 triệu đồng từ các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn huyện quan tâm, ủng hộ, đây là số tiền xã hội hóa quan trọng giúp các xã có thêm nguồn lực thực hiện XDNTM.
Thực tế triển khai Chương trình XDNTM cho thấy, Quỹ XDNTM đã thổi làn gió mới trong phong trào XDNTM, là mô hình cần thiết và hiệu quả nhằm mục tiêu nâng cao vai trò tự chủ của chính quyền cơ sở, cộng đồng dân cư trong XDNTM thông qua việc trao quyền quyết định hoạt động ưu tiên cho cộng đồng; tăng cường huy động đóng góp tự nguyện của cộng đồng và dân cư nông thôn mà đại diện là Ủy ban MTTQ tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, khắc phục bất cập của cơ chế chính sách hiện hành trong việc triển khai thực hiện các hoạt động XDNTM.
Quỹ XDNTM tỉnh trở thành điểm tựa cho nhiều xã còn khó khăn trong huy động nguồn lực XDNTM, sau 2 năm triển khai đã nhận được trên 13 tỷ đồng từ các ban, ngành, đoàn thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh, trong đó, cấp tỉnh trên 1,4 tỷ đồng, cấp huyện trên 4,2 tỷ đồng, cấp xã gần 7 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ, đã hỗ trợ trên 12 tỷ đồng cho các xã điểm mua thiết bị cho nhà văn hóa cấp xóm, xã, làm đường nông thôn. Trong đó, xã Trường Hà (huyện Hà Quảng) 100 triệu đồng, xã Phong Châu (huyện Trùng Khánh) 220 triệu đồng, xã Minh Tâm (huyện Nguyên Bình) 250 triệu đồng, xã Hưng Đạo (thành phố Cao Bằng) 300 triệu đồng… Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên vận động nhân dân hiến 12.081 m² đất, ủng hộ 60 tấn xi măng, 200 m³ cát, sỏi, 100 m³ đá, đóng góp gần 900 triệu đồng…, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, công trình phúc lợi công cộng, góp phần tạo thêm nguồn lực cho các xã thực hiện các tiêu chí XDNTM.
Riêng năm 2016, Quỹ XDNTM tỉnh Cao Bằng vận động được trên 5 tỷ 156 triệu đồng, trong đó, cấp tỉnh trên 524 triệu đồng, cấp huyện trên 3 tỷ 170 triệu đồng, cấp xã trên 1 tỷ 460 triệu đồng… Từ nguồn Quỹ XDNTM, các huyện: Thạch An, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, hỗ trợ 80 hộ di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà.
Với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Ủy ban MTTQ các cấp vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động làm trên 150 km đường nông thôn, tổng trị giá trên 15 tỷ đồng; 4 xã làm kênh mương nội đồng, tổng kinh phí trên 700 triệu đồng. Với sự chung sức của cả xã hội, đến hết năm 2016, toàn tỉnh đạt bình quân 7,62 tiêu chí NTM/xã; 3 xã mới đạt 19 tiêu chí gồm: Phong Châu (huyện Trùng Khánh), Phúc Sen (huyện Quảng Uyên), Hưng Đạo (TP Cao Bằng), nâng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 5 xã (2 xã: Minh Tâm, Nguyên Bình và Trường Hà, Hà Quảng đạt chuẩn NTM năm 2015).
Đồng chí Nguyễn Văn Dừa - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng cho biết: Hằng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh kêu gọi các tổ chức kinh tế, xã hội, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các nhà hảo tâm cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong và ngoài tỉnh chung tay góp sức ủng hộ Quỹ XDNTM của tỉnh. Thời gian vận động ủng hộ từ năm 2015 đến hết năm 2020, trong đó tháng cao điểm từ ngày 1 – 31/8 hằng năm. Thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục kêu gọi các đơn vị, cá nhân ủng hộ Quỹ XDNTM; vận động các tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ, đóng góp bằng mọi hình thức, sớm đưa Cao Bằng cán đích NTM.
Từ năm 2011 đến nay, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã đóng góp hơn 76,8 tỷ đồng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.12/13 huyện, thành phố có các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hỗ trợ Chương trình. Bao gồm: Hà Quảng huy động đóng góp được trên 27,5 tỷ đồng; TP trên 11,5 tỷ đồng; Nguyên Bình trên 7,1 tỷ đồng; Trà Lĩnh trên 4,6 tỷ đồng; Phục Hòa trên 2 tỷ đồng; Thông Nông gần 1 tỷ đồng…
Từ các nguồn vốn XDNTM, 7 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đầu tư 268 tỷ 660 triệu đồng XDNTM. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương đầu tư 200 tỷ đồng, triển khai thực hiện các dự án phát triển đường nông thôn, thủy lợi, trường học, công trình nước sinh hoạt, chợ nông thôn, trụ sở UBND xã...; Nguồn vốn sự nghiệp 44 tỷ 100 triệu đồng được phân bổ cho hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập huấn cán bộ làm công tác XDNTM, cán bộ công chức cấp xã, phổ cập giáo dục, xây dựng mô hình tiêu thụ nông sản, hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất hệ thống thông tin truyền thông cơ sở...
Cao Bằng đang vươn mình mạnh mẽ, khắp bản làng, thôn xóm khoác lên mình màu áo mới – màu áo của sự no ấm, hạnh phúc khi nhà nhà, người người cùng góp sức xây dựng nông thôn mới.