Cát Hải chuyển mình đi lên

Cát Hải chuyển mình đi lên
Những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng tôi về thăm xã Cát Hải (huyện Phù Cát) vùng đất cách mạng anh hùng năm xưa. Cát Hải bây giờ đã “thay da đổi thịt”, hạ tầng nông thôn được xây dựng ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho bộ mặt nông nghiệp, nông thôn từng bước khởi sắc; đời sống người dân được cải thiện.

Trước năm 1975, quân và dân xã Cát Hải đã bám trụ, bám làng chiến đấu ngoan cường cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Năm 2003, xã Cát Hải được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Tham quan mô hình sản xuất đậu phụng ở Cát Hải. Ảnh: THẾ HÀ

Sau ngày giải phóng, đời sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, bởi địa hình bị chia cắt với “3 đèo, 4 động”, giao thông trắc trở; diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, đất đai cằn cỗi, thiếu nước tưới phục vụ sản xuất, liên tục bị mất mùa do thiên tai.
Trước muôn vàn khó khăn, Đảng bộ và nhân dân xã Cát Hải đã phát huy truyền thống cách mạng, chung sức, chung lòng, nỗ lực vượt khó, tập trung tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Trong đó, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng diện tích cây trồng cạn, giảm diện tích lúa, áp dụng tiến bộ KHKT vào đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế các loại cây trồng. Xã cũng tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện và tổ chức VSA Tân Tây Lan, Chương trình 135 của Chính phủ... để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh.
Đặc biệt, hơn 10 năm nay, từ khi tỉnh xây dựng hoàn thành tuyến đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan, đã xóa hẳn sự trắc trở “3 đèo, 4 động”, tạo điều kiện cho Cát Hải nối liền với bên ngoài, giao thông đi lại thông thoáng, vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản được thuận lợi; người dân địa phương rất phấn khởi, mạnh dạn đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế hộ. 
Trong sản xuất nông nghiệp, xã đã khoanh vùng, bố trí sản xuất luân canh, xen canh cây trồng từ 2 đến 3 vụ trong năm, mở rộng diện tích cây trồng cạn cho thu nhập cao, như cây hành 280 ha, đậu phụng 305 ha, mè 95 ha. Hiện toàn xã có 348 ha/357 ha canh tác cho giá trị thu nhập cao trên 50 triệu đồng/ha/năm; trong đó có 123 ha đạt giá trị thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm; giá trị thu nhập bình quân 205,7 triệu đồng/ha canh tác. Nhiều hộ đã có cuộc sống khấm khá nhờ trồng hành, trồng đậu phụng dưới hình thức luân canh, xen canh: hành đông xuân, đậu vụ hè, hành thu đông, hoặc ngược lại.
Thế mạnh thứ 2 của Cát Hải là kinh tế biển, giá trị thu nhập bình quân toàn xã 14,7 tỉ đồng/năm. Dự án nuôi tôm công nghiệp đạt sản lượng gần 15 tấn/ha/năm; bước đầu mở ra mô hình sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Chính nhờ sự lãnh đạo đúng hướng của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, bằng sự năng động, sáng tạo, Cát Hải đã vượt khó đi lên, đạt mức bình quân thu nhập đầu người năm 2015 là 20,6 triệu đồng, tăng gấp 20 lần so với năm đầu mới giải phóng. Hiện nay, toàn xã có 99% hộ dân có điện sinh hoạt, sản xuất; 97% hộ có phương tiện nghe nhìn và xe máy; số hộ nghèo giảm xuống còn 10,8%.  Trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, Cát Hải đã đạt 13/19 tiêu chí, phấn đấu về đích vào năm 2020.
Ông Đặng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cát Hải, không giấu được niềm tự hào: “Cán bộ và nhân dân địa phương đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết xây dựng quê hương. Từ một vùng quê gian khó, là một xã thuần nông, bên cạnh sự hỗ trợ của cấp trên, bằng sự năng động, sáng tạo, người dân Cát Hải đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương gắn với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thoát nghèo, từng bước làm giàu ngay trên đồng đất quê mình”. 
Theo: baobinhdinh.com.vn