Câu chuyện “cán đích” nông thôn mới và chặng đường phía trước
- Chủ nhật - 10/01/2016 09:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ghi nhận từ một xã vùng cao biên giới Chỉ sau 5 năm, Bản Lầu - huyện Mường Khương đã tiến một bước dài, đi từ không đến có, trở thành một trong số rất ít xã vùng cao biên giới đạt chuẩn NTM của tỉnh miền núi Lào Cai và cả nước. Vì sao Bản Lầu đạt được kết quả như trên? Câu chuyện với Bí thư Đảng ủy xã Phạm Đăng Năm, bắt đầu từ khâu xác định rõ năm lĩnh vực trọng tâm, đó là: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông-lâm nghiệp; phát triển giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở trường học các cấp, cải tạo vệ sinh môi trường và bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội. Ban chỉ đạo xây dựng NTM của địa phương đã có kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách ở các thôn, huy động cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn vào cuộc một cách quyết liệt nhằm làm thay đổi và nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng NTM. Đó là thành lập các tổ “tuyên vận” ở các thôn bản. Ở cấp xã có Ban tuyên vận gồm chín thành viên, ở mỗi thôn đều lập tổ tuyên vận” gồm ba thành viên, do bí thư chi bộ làm tổ trưởng, trưởng thôn và đại diện đoàn thanh niên hoặc hội phụ nữ làm tổ viên. Mô hình tổ “tuyên vận” vừa tuyên truyền, vừa vận động thực hiện bằng nhiều hình thức dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, cho nên tạo hiệu quả nhận thức và hành động thống nhất, liên tục, cao hơn. Đến với Bản Lầu hôm nay, những con đường đã được bê-tông hóa nối liền các thôn, xóm. Các vùng chuyên canh cây ăn quả quy mô vừa và lớn đã hình thành và ngày càng mở rộng, bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Môi trường sống được cải thiện; hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp khang trang hơn. Hiện nay, xã đã có vùng dứa nguyên liệu hơn 726 ha, trong đó có 500 ha đã cho thu hoạch, sản lượng bình quân đạt 13 nghìn tấn/năm, giá bán trung bình 5 nghìn đồng/kg đã mang lại cho người dân địa phương 65 tỷ đồng/năm; vùng chuối 466 ha, trong đó có 200 ha cho thu hoạch cũng mang lại cho người dân địa phương thu nhập khoảng gần 29 tỷ đồng/năm; vùng chè hơn 226 ha hằng năm cũng mang lại cho người dân địa phương thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhân dân địa phương đã tham gia đóng góp hơn sáu nghìn ngày công lao động, hiến gần 60 nghìn m2 đất và hơn 1,2 tỷ đồng tiền mặt… cùng với nguồn vốn đầu tư của Đảng, Nhà nước đã giúp địa phương sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và làm mới gần 40 km đường giao thông; xây dựng 44 km kênh mương và 22 đập nước thủy lợi, phục vụ sản xuất và đời sống. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới Để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, nhiều địa phương đã tổ chức lại sản xuất, dồn điền, đổi thửa, thiết kế lại hệ thống giao thông, thủy lợi, chuẩn bị tốt điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, tiêu biểu là các tỉnh, thành phố Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa… Một số nơi đã xây dựng mô hình sản xuất, thâm canh hiệu quả, tăng cường vai trò hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển mô hình “cánh đồng mẫu lớn” mang lại hiệu quả cao. Đến nay, cả nước có khoảng 556 nghìn ha với 2.500 mô hình hợp tác liên kết sản xuất “cánh đồng mẫu lớn”. Nhiều mô hình liên kết hợp tác, sản xuất theo chuỗi trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp, các tổ, đội sản xuất trong khai thác thủy sản cũng đã được hình thành, phát huy hiệu quả. Tại Đồng Nai, tỉnh dẫn đầu cả nước về số huyện, thị xã đạt chuẩn NTM và cũng là một trong những địa phương hình thành nhiều mô hình chăn nuôi theo chuỗi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi được Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phan Minh Báu cho biết, tỉnh đang có nhiều mô hình chăn nuôi áp dụng công nghệ sinh học, theo chuỗi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong năm 2016, Đồng Nai dự kiến sẽ phát triển thêm khoảng 20 trang trại đạt chuẩn VietGAP. Với số lượng cơ sở chăn nuôi VietGAP đang tăng lên, tỉnh quyết tâm hướng đến một ngành chăn nuôi bền vững hơn trước khi ngành chăn nuôi trong nước chính thức bước vào sân chơi hội nhập. Đây cũng chính là hướng phát triển quan trọng, trở thành chủ đạo cho các địa phương trong tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM và phát triển kinh tế nông hộ bền vững. Chặng đường mới, chính sách mới Kết thúc 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, cả nước mới có được 14,5% số xã đạt chuẩn, thấp hơn mục tiêu 20% do Nghị quyết Trung ương 7, khóa X đề ra. Một số bài học kinh nghiệm được rút ra từ những hạn chế sau khi tổng kết thực tiễn cho thấy, các xã đã tập trung cao phát triển hạ tầng, nhất là làm đường giao thông nhưng các nội dung về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương đã chú trọng thực hiện các nội dung xây dựng NTM do cấp xã đảm nhận nhưng chưa chú trọng đúng mức thực hiện các nội dung ở cấp thôn, xóm và hộ gia đình. Bên cạnh đó, còn có sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện xây dựng NTM giữa các vùng, miền. Trong khi số xã đạt chuẩn ở Đông Nam Bộ là 34%, đồng bằng sông Hồng là 23,5% thì các tỉnh miền núi phía bắc và Tây Nguyên mới chỉ có khoảng 7% số xã đạt chuẩn NTM. Một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích cho nên đã huy động quá sức dân hoặc nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng chi trả. Để đạt được 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn NTM, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một huyện đạt chuẩn, không còn xã dưới năm tiêu chí trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế và chính sách liên quan. Trước hết phải điều chỉnh, bổ sung Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM cho phù hợp điều kiện đặc thù của các vùng miền; ban hành tiêu chí huyện, tỉnh đạt chuẩn NTM. Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho các xã khó khăn; xây dựng chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các chính sách liên quan đến môi trường. Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai chương trình ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ NTM hiệu quả, phù hợp thực tiễn của mỗi địa phương… Sau 5 năm thực hiện xây dựng NTM, cả nước có 36,4% số xã đạt tiêu chí về giao thông nông thôn, 61,4% đạt tiêu chí thủy lợi, 82,4% đạt tiêu chí điện nông thôn, 58% đạt tiêu chí về chợ nông thôn, 67,1% đạt tiêu chí về y tế, 90,9% đạt tiêu chí về bưu điện, 42,1% đạt tiêu chí về trường học, 34,6% đạt tiêu chí về vật chất văn hóa… Tính đến hết năm 2015, số tiêu chí bình quân/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010); số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới ba tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 183 xã. Trong 5 năm, đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng NTM, trong đó người dân và cộng đồng đóng góp 107.447 tỷ đồng (12,62%).
|
Theo Vũ Thành, Quốc Hồng/Báo Nhân Dân |