“Cầu nối” phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng

“Cầu nối” phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng
Trong những năm qua, Hội Nông dân (ND) tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực triển khai, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, hình thành “cầu nối” giữa nông dân và doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC).

Cầu nối 3 nhà

Lâm Đồng được đánh giá là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp CNC của cả nước, sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao trên thị trường quốc tế, được định hướng phát triển là vùng nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành. Nhưng đặc điểm nền nông nghiệp của tỉnh vẫn còn thiếu ổn định, chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, kỹ thuật không đồng nhất dẫn đến sản xuất chưa phát huy hết tiềm năng. Các sản phẩm cung cấp cho thị trường chủ yếu là dạng thô, chưa đảm bảo về chất lượng, đa dạng mẫu mã, tính cạnh tranh còn thấp…

Ngoài ra, việc ứng dụng CNC vào sản xuất tại một số địa bàn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn do người dân thiếu trình độ, thiếu vốn.

 “cau noi” phat trien nong nghiep cong nghe cao o lam dong hinh anh 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm trang trại trồng rau của Công ty TNHH SXTM Nông sản Phong Thúy (Lâm Đồng) năm 2018.  Ảnh: V.L

Nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại nên Hội ND tỉnh Lâm Đồng đã chủ động xây dựng mối liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp theo hướng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Trương Văn Tùng - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Hội ND tỉnh đã ngày càng khẳng định vai trò “cầu nối” giữa nhà nông với các nhà khoa học, doanh nghiệp, tạo vị trí trung tâm của nhà nông trong mối quan hệ 3 nhà, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điều này có thể thấy rõ trong việc Hội đã tín chấp với Công ty máy Nông nghiệp VYKYNO để nông dân trong tỉnh mua 258 đầu máy nông nghiệp trị giá 5 tỷ đồng. Phối hợp với Công ty CP Bình Điền Lâm Đồng và Công ty Vệ sinh Môi trường Đô thị Hà Nội… mua gần 28.000 tấn phân bón các loại trị giá trên 112 tỷ đồng cho nông dân”.

Bên cạnh đó, để giúp người dân có vốn đầu tư, các cấp Hội trong tỉnh đã thực hiện chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho 30.000 hội viên, nông dân vay vốn với tổng dư nợ ủy thác đến nay đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Hội đang nỗ lực hỗ trợ nhà nông trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 như thực hiện dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho cán bộ, hội viên nông dân” do Tập đoàn Google tài trợ…

Cần những “cú hích”

"Đối với người nông dân, cơ quan có thẩm quyền nên tiếp tục tăng cường thực hiện chính sách tín dụng, cho vay lãi suất thấp (có thể ưu đãi từ 0 - 5%) so với lãi suất ngân hàng thương mại, thủ tục vay thuận tiện, đơn giản để người dân phát triển sản xuất…”. 

Ông Trương Văn Tùng - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Lâm Đồng

Theo ông Trương Văn Tùng, Hội ND là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nông dân, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay.

Do vậy Nhà nước cần có những “cú hích” đủ mạnh và đồng bộ từ cơ chế, chính sách, tạo nguồn lực, điều kiện thuận lợi cho tổ chức Hội tiếp tục làm “cầu nối” giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân trong phát triển nông nghiệp hiện đại.

“Đối với chính sách đất đai cần có sự quy hoạch đồng bộ về kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như đường, điện, hệ thống tưới tiêu, kho bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm… Đồng thời khuyến khích nông dân liên kết, hợp tác mở rộng quy mô sản xuất, song vẫn đảm bảo quyền sử dụng đất nông nghiệp của người dân. Hơn nữa, đối với chính sách về khoa học, công nghệ thì nên tăng cường đầu tư và khuyến khích các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học, tập trung nghiên cứu các giống mới có năng suất, chất lượng, giá trị cao phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bền vững” - ông Tùng nêu kiến nghị.

Hiện nay Lâm Đồng đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cùng với hơn 10.000 nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh theo chuỗi nông sản toàn cầu. Đã có trên 55.000ha diện tích nông nghiệp ứng dụng CNC, có nhiều mô hình liên kết chuỗi giá trị, hoạt động khép kín từ gieo ươm cây giống, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển đến tiêu thụ.

Trong đó đáng chú ý là mô hình của Công ty TNHH SXTM Phong Thúy, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thủy canh Việt, với diện tích canh tác hơn 30.000m2 nhà màng CNC, ứng dụng hệ thống điều khiển tự động hoàn toàn qua internet. 

Theo Văn Long/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây