Cây dại bồn bồn trở thành đặc sản, giúp nông dân Đất Mũi khấm khá
- Thứ tư - 11/12/2019 07:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những năm gần đây, bà con nông dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả để phát triển những mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, trong đó có mô hình trồng bồn bồn.
Bồn bồn là loại thực vật sống vùng đất ngập nước, phát triển trong ao hồ hoặc mé sông, nơi có dòng chảy chậm, có khả năng chịu phèn mặn, có khả năng chịu ngập sâu. Bồn bồn được xem là cây dại mọc hoang nhưng những cũng là một vị thuốc hay, chữa được nhiều bệnh đồng thời có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như gỏi bồn bồn, dưa bồn bồn.
Dưa bồn bồn đang là một loại đặc sản của vùng đất Mũi Cà Mau. Ảnh: N.Hai
Theo người dân địa phương, cây bồn bồn có sức sống mãnh liệt nên dễ trồng, phù hợp với vùng đất phèn U Minh. Cứ bắt đầu vào đầu mùa mưa, cây bồn bồn sẽ sinh sôi, bà con chỉ việc bứng ra ruộng trồng, rồi chờ đến thời gian thu hoạch mà gần như không phải chăm bón gì.
Hiện giá bồn bồn tươi thành phẩm đang được thương lái thu mua với giá từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, giúp người dân có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Gia đình bà Trần Thị Đào ở phường 8, TP.Cà Mau là hộ dân tiên phong chuyển đổi thành công 1ha đất nuôi tôm kém hiệu quả sang trồng bồn bồn. Hơn 15 năm nay, trên cùng diện tích, bà còn kết hợp thả nuôi tôm, cua, cá nước ngọt. Nhờ vậy, ngoài thu nhập từ trồng bồn bồn đạt hơn 500 triệu đồng, gia đình bà còn có thêm thu nhập gần 200 triệu đồng từ bán thủy sản.
Bà Đào cho biết, gia đình bà có lúc gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn thường xuyên do đông con. Nhà có 10 công đất nhưng nuôi tôm thu nhập rất bấp bênh. Có dịp xuống huyện Trần Văn Thời, thấy bà con trồng bồn bồn cho hiệu quả cao, từ đó, bà đã trồng bồn bồn để cải thiện sinh kế.
Để trồng bồn bồn đạt hiệu quả trên đất vuông bị nhiễm mặn, bà Đào cuốc bờ bao chống mặn, bơm nước ngọt, trữ nước mưa để rửa đất. Khi đất hết nhiễm mặn, bà xin bồn bồn về cấy giống. Nhờ cải tạo đất tốt và bón vôi đúng quy trình nên sau 2 tháng, bồn bồn phát triển tốt và cho thu hoạch. Trồng bồn bồn 1 lần thu hoạch liên tục trong nhiều năm. Mỗi tháng, bà bón 20kg phân urê- DAP. Vài năm sau, khi bồn bồn già cỗi thì tiến hành cuốc bỏ. Khi mưa xuống, gặp nước, gốc bồn bồn sẽ tự mọc cây mới.
Hiện mỗi ngày gia đình bà thu hoạch hơn 30kg bồn bồn, với giá bán 30.000 đồng/kg, không đủ đáp ứng nhu cầu. Bà luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giống bồn bồn cho các hộ trong và ngoài địa phương cùng làm giàu.
Cũng tại TP.Cà Mau, chị Võ Thị Nị (ở phường 8) có thâm niên hơn 10 năm trồng bồn bồn, cho rằng: “So với các mô hình kinh tế, trồng bồn bồn rất nhàn mà thu nhập khá cao. Bồn bồn cho thu hoạch quanh năm. Tuy nhiên, vào mùa nắng thì phải cung cấp thêm nước ngọt từ giếng khoan cho ruộng bồn bồn. Loại rau sạch này có thể kháng được các loại bệnh, ít cần phân bón. Mỗi năm, 10 công đất trồng bồn bồn cho thu nhập trên 500 triệu đồng, chưa kể thu hoạch từ các loài cá đồng khác”.
Người dân huyện Cái Nước sơ chế bồn bồn. Ảnh: N.Hai
Tương tự, huyện Cái Nước hiện là một trong những địa phương có diện tích bồn bồn lớn của tỉnh Cà Mau với khoảng 90ha và hơn 150 hộ tham gia trồng; trong đó, tập trung nhiều ở xã Tân Hưng Đông với khoảng 60ha, năng suất khoảng 3 tấn/ha/năm.
Theo đánh giá Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước, những năm gần đây, việc trồng bồn bồn đem lại thu nhập khá cho người dân, với khoảng 100–120 triệu đồng/ha/năm. Từ năm 2016, nhãn hiệu bồn bồn Cái Nước đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Theo đó, sản lượng bồn bồn tiêu thụ tăng lên rõ rệt, giá trị hàng hóa nâng cao.
Huyện Cái Nước đang xây dựng dự án nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả cây bồn bồn với diện tích 100ha. Ngoài thu nhập từ cây bồn bồn, người dân còn có thêm nguồn thu từ việc thả nuôi tôm càng xanh hay cá đồng kết hợp trên cùng diện tích đất.
Bồn bồn của bà Trần Thị Đào có giá bán sỉ 30.000 đồng/kg, chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Bích Lệ
Theo rà soát sơ bộ, hiện toàn tỉnh Cà Mau có hơn 100ha trồng bồn bồn, tập trung nhiều tại huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh, huyện Cái Nước, TP.Cà Mau. Người dân trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục nhân rộng mô hình trồng bồn bồn để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và phù hợp với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương. Nhằm phát huy tiềm năng của loại cây đặc sản này, UBND tỉnh Cà Mau đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị chức năng rà soát kỹ hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, yêu cầu của thị trường đối với chất lượng, số lượng dưa bồn bồn.
Theo người dân Cà Mau, vị đặc trưng của đặc sản dưa bồn bồn là chua chua, ngọt ngọt, giòn giòn. Cách làm dưa bồn bồn cũng không quá khó, chỉ cần chắt nước cơm đục (nước cơm nấu từ gạo), pha cùng với nước cơm trong (nước vo gạo). Sau đó thêm muối, đường vào theo nhiều công thức được người dân dùng khác nhau. Khâu pha nước và nêm muối và đường là khâu quan trọng, được cho là bí quyết làm lên hương vị thơm ngon của dưa bồn bồn. Đổ nước đã pha vào keo bồn bồn, để khoảng 2 ngày có thể ăn. |
Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo Bích Lệ - Thiên Hương/danviet.vn