Chăn nuôi an toàn sinh học: Giải pháp hiệu quả thời điểm hiện nay

Chăn nuôi an toàn sinh học: Giải pháp hiệu quả thời điểm hiện nay
Trong khi bệnh dịch tả lợn châu Phi đang hoanh hành tại Hà Nội và nhiều địa phương khác gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, thì việc chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp hữu hiệu nhất trong thời điểm hiện nay.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu đi kiểm tra công tác phòng chống DTLCP tại huyện Quốc Oai - Ảnh: Thiện Tâm

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tại Hà Nội, sau hơn 4 tháng dịch lợn tả châu Phi đã xảy ra tại 26 nghìn hộ chăn nuôi, làm mắc bệnh và tiêu hủy trên 446 nghìn con lợn (chiếm 23,8 % tổng đàn) với trọng lượng 30.653 tấn. Ước tính thiệt hại lên tới cả nghìn tỷ đồng. Thiệt hại này dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng tăng trưởng của ngành nông nghiệp, giá cả thị trường, công ăn việc làm của người lao động, lượng thịt lợn thiếu trong sinh hoạt của người dân.

Thực tế cho thấy, dịch bệnh trên đàn vật nuôi khi bùng phát đều xuất phát từ các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Trong khi đó, các trang trại có quy mô lớn cơ bản vẫn ngăn chặn dịch được. Những hộ/trang trại không bị ảnh hưởng dịch bệnh là do áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học. Những mô hình chăn nuôi tập trung theo quy trình, công nghệ cao, tự động hóa từ khâu chăm sóc đến khi cho ra thành phẩm đang được phổ biến và nhân rộng. Đó là các trang trại chăn nuôi thuộc Công ty cổ phần CP, Công ty Việt Hưng (Sơn Tây), Hợp tác xã Hòa Mỹ (Ứng Hòa), Hợp tác xã Hoàng Long (Thanh Oai) …

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, để giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học chính là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi nói chung và phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ thêm, lợi ích của chăn nuôi an toàn sinh học là đem lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển chăn nuôi bền vững; đồng thời chủ động được trong phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là trong bối cảnh hiện nay do diễn biến dịch bệnh phức tạp, một số dịch bệnh rất dễ bùng phát (như lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi …). Mặt khác, khi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thì sức đề kháng của lợn với các mầm bệnh truyền nhiễm sẽ cao hơn, lợn khỏe mạnh hơn, sức tăng trưởng, tăng trọng tốt hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, cần khuyến khích người dân cũng như các chủ trang trại chuyển sang phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Như vậy, bên cạnh việc hạn chế được thiệt hại, sẽ duy trì ổn định đàn lợn để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo Thiện Tâm/chinhphu.vn