Chăn nuôi công nghiệp: 'Mắc kẹt' bởi quy trình

Tại sao ở Việt Nam cứ nói đến nuôi lợn, nuôi gà công nghiệp là đồng nghĩa với chất lượng thấp, phải chăn nuôi theo kiểu thả vườn thịt mới ngon. Phải chăng chúng ta đang kéo lịch sử ngành chăn nuôi trở lại, từ thời nuôi hoang dã, đến nuôi công nghiệp nay lại quay trở về nuôi hoang dã. Đây là trăn trở của Bộ trưởng Cao Đức Phát - vị Tư lệnh ngành nông nghiệp về những tồn tại bao năm qua của ngành chăn nuôi.
 
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định, một trong những nút thắt của chăn nuôi là quy trình nuôi của chúng ta đang có vấn đề. Mặc dù đã tiếp cận được với công nghệ hiện đại nhưng người nông dân vẫn nuôi theo kinh nghiệm là chính. Chăn nuôi vẫn chủ yếu là các hộ nhỏ lẻ, tư duy sản xuất truyền thống, tự cung tự cấp, xóa đói giảm nghèo là chính. Vấn đề an toàn thực phẩm vẫn bị coi nhẹ, bằng chứng là nông dân vẫn lén lút sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, vẫn thường bắt gặp tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thịt.
 
Bắt bệnh quy trình nuôi
 
Ông Bùi Như Ý, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc cho biết, chăn nuôi của chúng ta hiện chưa có một quy trình chuẩn nào từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc. Không phải sản phẩm của chúng ta nuôi công nghiệp không ngon mà do chưa có quy trình chăn nuôi chuẩn. Chẳng hạn các nước có tiêu chuẩn cho thời điểm kết thúc nuôi lợn, xuất chuồng ở 100 - 110 kg/con. Trước khi lợn xuất chuồng 2 ngàykhông cho ăn như bình thường.
 
Nhưng ở Việt Nam không chọn thời điểm kết thúc, lúc thì xuất bán khi lợn đạt 75 kg, khi lại để 100 kg mới bán. Thức ăn thì chẳng phân biệt, đến ngày xuất bán vẫn cho ăn như bình thường. Tương tự với gà công nghiệp cũng vậy, sáng vừa cho ăn như đang nuôi bình thường, chiều đã bán thì thịt không thể ngon được. Chưa kể cách giết mổ mất vệ sinh cũng ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Tóm lại, muốn nuôi công nghiệp cho chất lượng thịt ngon phải bảo đảm được quy trình chăn nuôi chuẩn, giết mổ chuẩn.
 
Phải chăng chúng ta đang kéo lịch sử ngành chăn nuôi trở lại?

Theo một chuyên gia lâu năm trong ngành nông nghiệp, bây giờ chăn nuôi của ta theo kiểu “người giàu nuôi cho người nghèo ăn, người nghèo nuôi cho người giàu ăn” hay nói cách khác dân ta vẫn ưa chuộng sản phẩm chăn nuôi theo kiểu chăn thả, với gà đi bộ, lợn cắp nách, sản phẩm công nghiệp bị đánh giá là không ngon, chỉ được mua bởi đối tượng thu nhập thấp, trung bình.
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát trăn trở, sao chúng ta cứ mải lo gà, lợn, bò nhập khẩu từ nước ngoài lấn át thịt trong nước. Tại sao chúng ta không khắc phục chăn nuôi công nghiệp đạt chuẩn như nước ngoài để người tiêu dùng thấy gà ta chất lượng như gà Mỹ, bò Việt như bò Úc, lợn ta ngon như Đan Mạch để đỡ phải nhập? “Các anh cứ nói ta có gà ri, gà mía là giống gà ngon nhưng tôi nghi ngờ điều này, tôi đã sang Mỹ và thấy gà Mỹ nuôi công nghiệp ngon hơn gà Việt Nam, trứng gà Ai Cập cũng siêu ngon mà họ toàn nuôi công nghiệp. Làm sao để nuôi gà công nghiệp ngon như gà đồi”, Bộ trưởng Phát nói.
 
Liên kết rời rạc
 
Nhiều ý kiến cho rằng quy trình sản xuất có vấn đề làm chất lượng sản phẩm chăn nuôi không đạt chuẩn, năng suất thấp, giá thành không cao đang kìm kẹp ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, liên kết tổ chức quá rời rạc, các nông hộ vẫn chăn nuôi theo kiểu mạnh ai nấy làm chưa tạo được liên kết theo chuỗi nên lợi nhuận sau mỗi chu kỳ nuôi còn thấp.
 
Tại nhiều địa phương, thời gian qua một số doanh nghiệp FDI lĩnh vực chăn nuôi đã tạo thành một làn sóng nuôi gia công khi tổ chức liên kết với nông dân để tạo vùng nuôi cho doanh nghiệp. Theo đó các doanh nghiệp này hợp đồng với nông dân cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, đầu tư hệ thống chuồng trại rồi hẹn đến ngày đến giờ thì họ đến nhận sản phẩm. Nuôi theo phương thức này, nông dân không phải lo về thị trường đầu ra. Tuy nhiên, họ chỉ là những người làm thuê ngay trên mảnh đất của mình, lợi nhuận đã bị xà xẻo còn lại chẳng bao nhiêu.
 
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Thọ ngậm ngùi, ở Phú Thọ hiện có một số doanh nghiệp nhỏ quy mô đang nỗ lực làm cho tập đoàn CP. chúng tôi cảm thấy buồn khi người chăn nuôi của ta làm gia công cho các doanh nghiệp FDI vì bỏ công sức ra nuôi 1 con lợn, trừ chi phí nhập toàn bộ giống, thức ăn, trừ đi khấu hao chuồng trại mỗi con lợn sau khi nuôi vài tháng chỉ có lãi 300.000 đồng/con là quá thấp chưa kể những hệ lụy về ô nhiễm môi trường mà ta phải gánh chịu.
 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng thừa nhận yếu kém này của ngành chăn nuôi: chuyện nông dân làm gia công cho doanh nghiệp FDI không phải là giải pháp hay cho ngành chăn nuôi. Chủ trương của Bộ NN&PTNT muốn nhiều hộ chăn nuôi có lãi nhưng rất khó nếu chọn cách gia công. Các doanh nghiệp FDI tiềm lực mạnh họ làm từ đầu đến cuối của quy trình chăn nuôi, chủ động từ con giống, thức ăn, chuồng trại, hệ thống giết mổ tất cả đều khép kín nên lợi nhuận hoàn toàn thuộc về họ. Còn anh nông dân Việt Nam chỉ tham gia một công đoạn ở giữa thì chỉ được hưởng lợi tý chút.
 
Chúng ta muốn toàn bộ chuỗi thuộc về nông dân phải tổ chức để nông dân liên kết chặt chẽ với nhau trong các khâu từ sản xuất đến thị trường. Bộ trưởng nêu điển hình Tp. HCM đã làm tốt việc liên kết các trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap bán chung vào lò mổ có thương hiệu, từ lò mổ này sản phẩm được bán ra thị trường với giá chấp nhận được. Làm được như vậy người nông dân Việt Nam được hưởng trọn vẹn thành quả của mình. Vấn đề là phải có chính sách để duy trì liên kết.
 
Bộ trưởng cho biết, từ nay đến cuối năm bộ sẽ rà soát lại cơ chế chính sách trong đó có Nghị định 210, Nghị định 55 về tín dụng trong nông nghiệp. Đề xuất những chính sách còn thiếu để tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh lớn, trang trại, nông hộ với những chính sách đặc thù riêng. Chủ chương là tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ chăn nuôi nông hộ phát triển lên trang trại. Nghiên cứu kinh nghiệm từ các doanh nghiệp nước ngoài để hỗ trợ nông dân liên kết theo chuỗi để được hưởng toàn bộ lợi ích từ chuỗi đó. Trong tham gia liên kết giữa nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp là động lực đem lại sức sống mới cho chăn nuôi.
 
“Hiện các doanh nghiệp, trang trại lớn hầu như đều nắm được công nghệ, quy trình nuôi tương đồng với các nước tiên tiến nhưng khó khăn vẫn là hàng triệu hộ nông dân. Cần bố trí nghiên cứu quy trình nuôi công nghiệp để phổ biến cho nông dân. Nông dân cũng không có khả năng mua công thức thức ăn, công thức phải nhờ doanh nghiệp, vì vậy cũng cần phổ biến cho họ vấn đề này”, Bộ trưởng nói.
 
Ts. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) 

Hiện nay, ngành chăn nuôi đang gặp phải 4 thách thức hay còn gọi là “nút thắt” rất lớn để phát triển. Thứ nhất, năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi còn thấp. Nguyên nhân thứ hai là việc liên kết sản xuất quá lỏng lẻo. Giờ chúng ta mới chỉ liên kết ngang (giữa các đơn vị, nhà máy với nhau), chưa có liên kết dọc (hệ thống chăn nuôi từ trung ương đến địa phương)... Điều thứ ba chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Chừng nào thịt còn tồn dư kháng sinh, tồn dư các chất tăng trưởng thì chắc chắn chúng ta chưa thể xuất khẩu được. Cuối cùng, lực cản vô hình đang kéo ngành chăn nuôi chậm lại chính là các thủ tục hành chính còn phiền hà cho sản xuất.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam

Mỗi năm Việt Nam phải nhập trên 8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trị giá trên dưới 3 tỷ USD. Về thuốc thú y, mỗi năm cũng phải nhập một lượng lớn, nhất là vaccine. Chất lượng con giống đưa tới tay người chăn nuôi chưa đảm bảo. Tỉ lệ giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp còn thấp, chỉ chiếm khoảng 20% trên tổng lượng thịt. Thời gian tới Nhà nước cần hỗ trợ ngành chăn nuôi bằng cách giảm lãi suất đầu vào. Đồng thời bỏ phí để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Hiện nay, lĩnh vực chăn nuôi có 26 thủ tục hành chính. Trong quá trình thực hiện đơn giản hóa sẽ tập trung vào hai nội dung là cắt giảm 30%-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện hải quan một cửa quốc gia trong quản lý thức ăn chăn nuôi nhằm giảm giá thành.
 
Thu Hường (Thời báo kinh doanh)