Chăn nuôi 'đuối' trước hội nhập
- Thứ hai - 11/05/2015 12:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngành chăn nuôi dường như “đứng ngoài” vòng quay hội nhập khi vẫn mải loay hoay với “mớ bòng bong” khó khăn từ nhiều phía.
“Hổng” khâu cung ứng
Dự kiến, khi hội nhập sâu, thuế suất xuất khẩu hầu hết các mặt hàng về 0%, thịt nhập khẩu sẽ ồ ạt tràn vào, cạnh tranh trực tiếp với hàng nội địa. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có biện pháp ứng phó phù hợp, sản xuất chăn nuôi trong nước sẽ co lại, Việt Nam có thể sớm trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của các nước.
Vốn được nhận định là ngành yếu thế trong số các ngành nông nghiệp nói chung trước thềm hội nhập, ngành chăn nuôi đã sớm triển khai kế hoạch tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, đến nay những yếu kém vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Điển hình trong số đó là tình trạng lệ thuộc vào nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, dẫn tới chi phí cho thức ăn chăn nuôi còn cao. Tính chung 4 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 1,16 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2014.
Đề cập tới vấn đề thức ăn chăn nuôi, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Hội nhập kinh tế quốc tế ngành NN&PTNT diễn ra đầu tháng4, ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh dẫn chứng, tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Hiện 1 kgthức ăn cho tôm bán đến tay người nuôi có giá khoảng 33.000 đồng/kg. Trong khi đó, cũng sản phẩm này, nhà máy bán cho các cửa hàng phân phối chỉ khoảng 28.000 đồng/kg. Mức giá trị chênh 20% người bán hàng được hưởng. Trong khi đó, kết cấu giá thành 1kgtôm, thức ăn chiếm từ 45-55%. Tính ra, mỗi kg thức ăn, giá thành sản phẩm đã tăng lên 10% chỉ vì khâu cung ứng nhiêu khê, nhiều cấp bậc. Chỉ riêng điểm chi phí bị đội lên này, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đã mất lợi thế hơn hẳn các nước khác.
Cũng đề cập tới sự bất cập của hệ thống cung ứng thức ăn chăn nuôi, ông Phạm Quốc Ân, Hợp tác xã chăn nuôi Quý Hiền (Lào Cai) cho biết, thức ăn mà các hộ cá thể phải mua từ các đại lý cấp 2 giá đắt hơn hẳn so với mua từ hợp tác xã. Ví dụ như, 1 bao cám tập ăn trọng lượng 25kg cho lợn con cùng chủng loại hợp tác xã bán cho xã viên 422.000 đồng/bao, nhưng cũng loại thức ăn đó, người chăn nuôi mua qua đại lý phải trả 450.000 đồng nếu trả ngay, còn trả chậm sẽ bị tính lên 460.000 đồng/bao. Như vậy, người chăn nuôi phải chịu chênh lệch từ 28.000 - 38.000 đồng/bao cám.
Không chỉ đối với thức ăn chăn nuôi, khâu cung ứng thuốc thú y cũng tồn tại không ít bất cập. “Hiện các đại lý thuốc thú y đang được doanh nghiệp chiết khấu hoa hồng tới 30%. Khoản chi này cho các đại lý người chăn nuôi là đối tượng phải gánh chịu”, ông Ân nhấn mạnh.
“Đau đầu” lãi suất
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, trước hội nhập, ngành chăn nuôi Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Chăn nuôi gà quy mô nhỏ, không có khả năng cạnh tranh, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng. Đối với chăn nuôi lợn, Việt Nam có ưu thế sản xuất nội địa vì người dân có thói quen sử dụng thịt tươi. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng này sẽ nhanh chóng thay đổi và người dân chuyển dần sang việc sử dụng thịt đông lạnh... Chính vì vậy, cả ngành chăn nuôi lợn và gà có thể đứng trước nguy cơ bị thua thiệt. Riêng với bò thịt và bò sữa lại càng chịu sức ép nặng nề, cần có giải pháp cấp bách để tháo gỡ.
Đồng tình với quan điểm với ông Lê Đăng Doanh, một số chuyên gia phân tích thêm, bước vào hội nhập sâu chăn nuôi Việt Nam sẽ phải phải cạnh tranh với các đối thủ có nhiều lợi thể hơn hẳn về kỹ thuật chăn nuôi, năng suất lao động, trong khi đó thức ăn chăn nuôi lại rẻ hơn và mức lãi suất tín dụng thấp hơn.
Thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được Nhà nước dành nhiều chính sách ưu đãi về mặt tín dụng hơn hẳn các ngành nghề khác nhưng vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn là 7%, dài hạn 10-11%/năm trong khi đó, nhiều nước trên thế giới, mức lãi suất dành cho chăn nuôi chỉ ở mức có 6%/năm, thậm chí có nước 4%/năm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, để vững vàng hơn trong hội nhập, ngành chăn nuôi cần nhanh chóng tập trung cải thiện chất lượng giống thông qua phổ biến giống chất lượng cao, nhập các loại giống, quản lý chặt thức ăn chăn nuôi, làm tốt công tác thú y... đồng thời tập trung tăng chất lượng, giảm giá thành nhằm tăng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
“Ngoài ra, ngành chăn nuôi cần tính tới hướng tới xuất khẩu chứ không chỉ loay hoay phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Muốn vậy, bước đầu tiên là phải chứng minh được sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chất lượng, an toàn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Uyển Như/ Báo Hải Quan