Chăn nuôi gia cầm trước sức ép hội nhập
- Thứ sáu - 09/10/2015 04:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, 6 tháng đầu năm 2015, khi số lượng thịt gà được nhập khẩu về ồ ạt tiêu thụ trong nước với giá bình quân 0,9 USD/kg, tương đương 19.625 đồng/kg đã ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi gà, nhất là chăn nuôi gà công nghiệp lông trắng. Tại các doanh nghiệp FDI, giá thành sản xuất 1 kg thịt gà công nghiệp lông trắng từ 26.310 đến 27.500 đồng/kg, đã giảm từ 1,4 - 12,9% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thịt gà nhập khẩu giá rẻ tăng nhiều nên giá bán thịt gà công nghiệp trong nước không cao, chỉ được từ 24.231 đồng/kg đến 28.442 đồng/kg, chăn nuôi khó có lãi.
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong những năm qua, Đề án Tái cơ cấu ngành Chăn nuôi đã được ban hành giúp tạo sự chuyển biến trong định hướng sản xuất tại các địa phương; chọn tạo được một số giống phù hợp với vùng sinh thái. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất chăn nuôi gà còn thiếu tính bền vững, khả năng cạnh tranh thấp bởi năng suất, chất lượng con giống chưa cao.
Các khâu trong sản xuất còn thiếu tính liên kết, chưa gắn sản xuất với giết mổ, chế biến với thị trường. Sản phẩm tiêu thụ bấp bênh, không ổn định, thường xuyên mất cân đối giữa cung - cầu. Hiệu quả chăn nuôi thấp, chi phí sản xuất lớn hơn các nước trong khu vực và trên thế giới, khó cạnh tranh với sản phẩm của các nước… Các cơ sở chăn nuôi tư nhân chưa chủ động con giống và thức ăn, nên giá thành thường cao hơn các doanh nghiệp FDI từ 12 - 17%, trong khi giá bán không cao hơn, nên 6 tháng đầu năm nay, nhiều cơ sở chăn nuôi bị thua lỗ.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, vai trò của các doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu ngành Chăn nuôi, đáp ứng yêu cầu hội nhập là rất quan trọng. Điểm yếu nhất của ngành Chăn nuôi nước ta là giá thành sản xuất cao. Giá sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng cũng cao là do phải qua quá nhiều khâu trung gian. Hiện tại, sản xuất chăn nuôi chưa theo chuỗi giá trị mà bị cắt khúc, mỗi công đoạn người sản xuất lại phải tính toán để có một lợi nhuận nhất định nên buộc phải đẩy giá thành lên cao, hiện vào khoảng 18 - 20%.
Việc bao tiêu sản phẩm chăn nuôi và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi còn nhiều khó khăn, nhất là trong thời gian tới khi ngành Chăn nuôi gia cầm hội nhập TPP. Do vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành Chăn nuôi gia cầm trong bối cảnh hội nhập quốc tế cần nhận diện rõ những lợi thế và điểm yếu của ngành trên cơ sở đó có các giải pháp đồng bộ. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng con giống, giảm giá thức ăn chăn nuôi, cân đối cung cầu giữa sản phẩm làm ra và nhập khẩu bảo đảm chăn nuôi phát triển bền vững.
Quang Đông
theo http://thanhtra.com.vn/