Chăn nuôi nhỏ chờ cơ hội 'trở mình'

Mặc dù bị đánh giá là ở “chiếu dưới” khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do, nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn có cơ hội “trở mình” nếu có chiến lược cải tổ và phát triển đúng đắn.
 
Cựu Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông David B. Shear, trong một cuộc nói chuyện gần đây về Hiệp định TPP tại Đại học Cần Thơ, đã nhận định rằng xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ tăng 37% trong những năm đầu tham gia TPP. Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ việc mở rộng cửa vào thị trường Hoa Kỳ và các thị trường khác vì TPP sẽ giảm thuế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu then chốt của Việt Nam.
 
 
Dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn Châu Âu của công ty Ba Huân.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng chỉ ra rằng khi TPP có hiệu lực thì thuế nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giống… cũng sẽ bằng 0 (mức thuế hiện nay từ 5 - 10%). Khi đó giá thành chăn nuôi cũng sẽ giảm tương ứng. Người chăn nuôi nên đẩy năng suất tăng thêm để tăng lợi nhuận. Các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội TPP để tiếp nhận các công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ các quốc gia thành viên TPP để chuyển giao cho nông dân và đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến, làm tăng giá trị các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu.
 
"Chúng ta cần rà soát, lựa chọn những sản phẩm thế mạnh. Chẳng hạn gà lông trắng không là lợi thế của ta, nhưng gà lông màu, gà bản địa đang phát triển với giá trị gia tăng cao, nên có thể phát triển... Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế canh tác lúa gạo nên cần tập trung nuôi những con vật sử dụng lúa gạo như vịt, gà vườn." Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.
 
Nói về cơ hội của ngành chăn nuôi Việt Nam trước thách thức hội nhập, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT cho rằng vẫn còn đủ thời gian cho ngành chăn nuôi trong nước thay đổi nếu chúng ta bắt đầu ngay từ bây giờ. Ông Dương cho biết trong đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo lựa chọn, tập trung phát triển những sản phẩm chăn nuôi chiến lược, có sức cạnh tranh. như lợn, vịt, gà lông màu. 
 
“Chúng ta cần rà soát, lựa chọn những sản phẩm thế mạnh, hạn chế sự gia tăng những sản phẩm không thế mạnh. Chẳng hạn gà lông trắng không là lợi thế của ta, nhưng gà lông màu, gà bản địa đang phát triển với giá trị gia tăng cao, nên có thể phát triển giống gà này. Thời gian tới, sẽ tập trung chế biến các sản phẩm gia cầm ở quy mô công nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế điều kiện tự nhiên trong canh tác lúa gạo nên cần tập trung nuôi những con vật sử dụng lúa gạo như vịt, gà vườn… Đặc biệt, thế mạnh của Việt Nam là toàn bộ các vùng duyên hải Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long… có điều kiện để phát triển vịt siêu thịt, vịt siêu trứng” - ông Dương nêu ý kiến.
 
Dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn Châu Âu.
 
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, một số chuyên gia cũng cho rằng, Nhà nước cần tiến hành bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, đầu tư sản xuất con giống, áp dụng công nghệ cao để giảm giá thành sản phẩm; giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; đẩy mạnh cơ cấu lại vùng chăn nuôi; xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để không chỉ phục vụ tốt thị trường trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho toàn ngành. Công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại để xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh, đặc biệt là sản phẩm thịt cần được tăng cường. Việc thay thế một số nguyên liệu, như đưa gạo lật vào thay thế một phần ngô, cho trồng một số giống ngô biến đổi gen để tăng năng suất và sản lượng ngô trong nước... cũng cần được đẩy mạnh.
 
Ngọc Minh (Trang trại Việt)