Chàng trai 9X đưa cây dược liệu lạ từ rừng về làm giàu cho dân bản
- Thứ hai - 11/06/2018 02:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khởi nghiệp ở bản
Má A Nủ - chàng trai mà “ai cũng biết” là người dân tộc Mông, mới ngoài đôi mươi nhưng đã là Chủ nhiệm HTX H’Mông Cát Cát (xã San Sả Hồ, Sa Pa, Lào Cai, cũng là người chọn khởi nghiệp với một xưởng tinh dầu nấu theo công thức đặc trưng được “cha truyền con nối” bao đời nay tại địa phương.
A Nủ tại xưởng chế biến tinh dầu của hợp tác xã. Ảnh: Thu Hà
“Liều lĩnh” là đúc kết đầu tiên của A Nủ khi nhớ về quyết định vay vài trăm triệu đồng khi mới tròn 22 tuổi. Bị con thuyết phục, mẹ A Nủ khi đó đã bán đi con trâu - tài sản có giá trị nhất trong nhà để góp tiền xây dựng xưởng chưng cất tinh dầu lớn nhất xã San Sả Hồ với diện tích trên 200m2 cho con. |
A Nủ chia sẻ, năm 2013, khi còn đi làm thuê, A Nủ được một người bạn giới thiệu về nghề chưng cất tinh dầu từ thảo dược. Dù biết đến những bài thuốc dân gian chữa bệnh hay chưng cất thành nước lá tắm chữa bệnh, nhưng A Nủ chưa từng biết đến việc chưng cất thành tinh dầu. Anh quyết định tìm tới từng bản làng để học kinh nghiệm được lưu truyền trong dân gian. Năm 2014, A Nủ về bản Cát Cát đầu tư mở xưởng, mua máy móc thiết bị, thành lập HTX để sản xuất quy mô lớn.
A Nủ lựa chọn nguồn dược liệu sạch, sẵn có trong rừng núi hoặc do bà con trong bản trồng và bắt tay vào làm. Không nhớ bao nhiêu lần đun nấu rồi đổ bỏ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, A Nủ mới thành công. Đầu tiên, A Nủ tạo ra những giọt tinh dầu đặc sánh, có mùi thơm dễ chịu và đóng thành lọ. Sau đó, anh tìm chế biến tinh dầu thành các chế phẩm khác như xà bông thảo dược, muối ngâm chân… Chưa dừng lại đó, A Nủ lại nghiên cứu thiết bị, máy móc để chiết xuất được hàm lượng tinh dầu cao nhất, chất lượng tốt nhất. Hành trình này cũng gian nan chẳng kém gì việc lặn lội lên núi cao tìm dược liệu. Nhưng, A Nủ cho biết, đã dấn thân thì không có gì khiến anh và những người cùng tâm huyết bỏ cuộc.
Ngoài các cây dược liệu nhiều người biết tới, A Nủ còn khai thác nhiều cây dược liệu mới như màng tang, chùa dù..., những loại cây này trước đây mọc nhiều trong rừng. Khi A Nủ nghiên cứu thành công quy trình chưng cất hai loại tinh dầu này thì màng tang và chùa dù đã trở thành cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.
Trên thị trường, cây chùa dù đang được thu mua với giá 5.500 đồng/kg, màng tang có giá trị cao hơn, khoảng 10.000 đồng/kg. Người dân từ chỗ khai thác chùa dù, màng tang sẵn có trong tự nhiên nay đã chủ động nhân giống đưa về trồng ở vườn nhà, nương rẫy.
Trong năm đầu tiên mở xưởng chưng cất tinh dầu, Má A Nủ nhận thu mua dược liệu cho 5 hộ và đến nay đã tăng lên 12 hộ liên kết trồng nguyên liệu theo các đơn hàng sản phẩm. Bên cạnh đó, anh chủ nhiệm HTX trẻ còn tự mày mò nghiên cứu thành công quy trình trồng, chăm sóc các loài cây thảo dược, có quy chuẩn về kích cỡ khi thu hoạch, giúp quá trình chưng cất thu được nhiều tinh dầu hơn và cho chất lượng cao nhất.
Mang tinh túy núi rừng đi muôn nơi
Một số sản phẩm của A Nủ. Ảnh: T.H
Hiện, những sản phẩm tinh dầu bạc hà, sả chanh, màng tang, chùa dù, gừng, cam, xà bông thảo dược… của HTX H’Mông Cát Cát đã có mặt ở nhiều triển lãm khởi nghiệp, hội chợ giới thiệu hàng Việt Nam, cùng nhiều cửa hàng tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương…
Cầm trên tay những sản phẩm được đóng gói mộc mạc với chủ đạo là màu chàm, nhưng không kém phần chuyên nghiệp, A Nủ cho hay: “Trên các hộp sản phẩm của em đều có chữ GÙI, ý chỉ đây là bản sắc của người miền núi nói chung và người Mông nói riêng. Từ khi sinh ra cho tới khi lớn lên, người Mông rất gắn bó với chiếc gùi. Màu nền chính của sản phẩm là màu chàm. Đây là màu đặc trưng nhất để phân biệt người Mông đen với các nhánh người Mông khác. Màu chàm này còn được gọi là màu indigo, được người nước ngoài rất ưa chuộng. Ngoài ra, bọn em còn in thêm hình ảnh lá cây, hoa, những hình ảnh gắn bó mật thiết với cuộc sống của người miền núi”.
Không chỉ có sản phẩm tinh dầu, Má A Nủ cho biết, hiện HTX còn huy động bà con trong bản sản xuất các mặt hàng thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ để bán.
Đến bây giờ, khi HTX H’Mông Cát Cát đã trở thành mô hình điểm khởi nghiệp tại Sa Pa, trong mỗi hành trình mang sản phẩm tinh dầu, xà phòng thảo dược của HTX đi giới thiệu, chàng Chủ nhiệm Má A Nủ đều kèm cả những bó sả chanh, ngũ sắc tím, chùa dù tươi. Điều Má A Nủ vẫn luôn băn khoăn là làm thế nào để xây dựng được nguồn nguyên liệu bền vững. Sản phẩm do HTX làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường do thiếu nguyên liệu dù hiện nay HTX của Má A Nủ đã trồng được gần 20ha dược liệu.
Ngoài hoạt động kinh doanh, A Nủ vẫn băn khoăn làm thế nào để bảo tồn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. A Nủ cùng với những người bạn đã tổ chức những lớp học, dạy các trò chơi, điệu múa truyền thống của người Mông. A Nủ cũng thành lập quỹ hỗ trợ cộng đồng, trích 5% giá trị mỗi sản phẩm bán ra, góp vào quỹ để hỗ trợ những hoàn cảnh trẻ em khó khăn trên địa bàn, đồng thời mở các lớp dạy chiết xuất dược liệu cho trẻ em.
Nhờ những cố gắng và nỗ lực của mình, A Nủ là chủ nhân của Giải thưởng Lương Định Của năm 2015 vinh danh những nhà nông trẻ xuất sắc có thành tích đặc biệt trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ. Vừa qua, Má A Nủ cũng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong khởi nghiệp.
TS Hà Việt Quân - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổ trưởng Tổ Công tác 569 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về kết nối, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp chia sẻ: “Không ai truyền cảm hứng khởi nghiệp tốt hơn cho các bạn thanh niên dân tộc thiểu số bằng chính các bạn. Má A Nủ là một tấm gương như thế. Từ sự thành công của Nủ, những thanh niên dân tộc thiểu số sẽ có đủ sự tự tin để làm giàu trên chính quê hương mình. Tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương, không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân.
Theo: Thu Hà/danviet.vn