Chàng trai xứ Thanh chia sẻ bài học từ Báo Kinh tế nông thôn

Chàng trai xứ Thanh chia sẻ bài học từ Báo Kinh tế nông thôn
Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, cùng với quyết tâm vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng, anh Lê Xuân Bình ở thôn Duyên Lộc, xã Định Hải là người đầu tiên ở huyện Yên Định (Thanh Hóa) đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng tại trang trại của mình.
tr19.jpg
Anh Bình (bên phải) chia sẻ cách trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ với bà con địa phương.

Tiên phong làm giàu

Anh Bình hiện có hơn 700 trụ thanh long ruột đỏ cho quả được 4 năm,  thu lãi  trên 300 triệu đồng/năm.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn thanh long ruột đỏ của mình, anh Bình chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nông thôn nghèo. Trước đây làm công nhân cho một nhà máy tại địa phương với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng, cuộc sống khá chật vật và khó khăn.

Quê hương có nhiều diện tích hoang hóa để không, trong lúc bà con vẫn phải tha hương đi làm thuê vất vả mà cũng không đủ sống. Không cam lòng, anh Bình quyết tâm tìm hướng “làm kinh tế” sao cho vừa sử dụng hiệu quả đất đai, vừa giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động tại địa phương.

Anh tâm sự: “Đang loay hoay chưa biết làm thế nào thì tình cờ tôi đọc được bài viết trên Báo Kinh tế nông thôn, trong đó có hướng dẫn về kinh nghiệm trồng thanh long ruột đỏ và tư vấn địa chỉ mua giống thanh long ruột đỏ uy tín.

Từ đó, tôi thường xuyên truy cập vào Báo điện tử Kinh tế nông thôn (kinhtenongthon.vn) để tìm đọc các bài liên quan đến cây thanh long ruột đỏ. Nhờ có những thông tin trên báo mà tôi học được kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh trang trại”.

Năm 2013, anh Bình tìm đến Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Tiền Giang) học cách trồng và tìm hiểu thêm về cây giống, cách chăm bón cũng như các yếu tố cần thiết như thời tiết và đất đai để cây thanh long phát triển tốt nhất.

“Thời điểm đó, nước ta chỉ có ba tỉnh trồng thí điểm thanh long ruột đỏ trên diện rộng là Bình Thuận, Tiền Giang và Tây Ninh. Tôi mê mẩn với thứ thanh long ruột đỏ này, bởi thời điểm đó trên địa bàn huyện Yên Định chưa ai trồng”, anh Bình kể.

Mới đầu, anh quan tâm đến nhiều giống cây khác nhau, nhưng giống thì không hợp với đất, khí hậu, giống thì tại địa phương đã trồng nhiều. Mất gần một năm, sau khi nắm vững kỹ thuật, tháng 3/2014, anh dốc toàn bộ nguồn vốn của gia đình trồng thử 300 trụ thanh long ruột đỏ trên diện tích gần 3.500m2.

Sau hơn 1 năm trồng và chăm sóc, cây thanh long ruột đỏ tỏ ra thích nghi  với điều kiện khí hậu cũng như thổ nhưỡng ở đây, sinh trưởng và phát triển ổn định, tỷ lệ đậu quả từ 80 đến 90%. 

Chia sẻ kinh nghiệm

Theo anh Bình, thanh long ruột đỏ thích hợp với nhiều loại đất, trong đó thích hợp và phát triển tốt hơn cả là ở vùng đất đỏ bazan. So với cây thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ dễ trồng hơn, ít sâu bệnh, thời gian ra hoa dài hơn và sớm hơn 2 - 3 tháng, ra hoa nhiều đợt trong năm, kéo dài từ cuối tháng 3 đến  tháng 10 âm lịch, tỷ lệ đậu quả cao.

 Sau khi ra hoa khoảng 1 tháng thì quả chín, mỗi trụ trồng cây thanh long cho khoảng 5 - 7kg quả và cứ khoảng 15 ngày lại cho thu hoạch một đợt. Mỗi gốc thanh long cho thu hoạch 6 - 7 đợt quả.

 So với các loại cây ăn trái khác, thanh long ruột đỏ đang chiếm ưu thế về năng suất và giá trị kinh tế mà nó mang lại. Sau khi trồng 1 năm, thanh long đã cho quả với nhiều đợt. Từ năm thứ 2 trở đi, năng suất quả cao gấp đôi năm thứ nhất. Hiện thanh long ruột đỏ rất được người tiêu dùng ưa chuộng, cứ mỗi lần thu hoạch là có thương lái tới tận vườn thu mua đem đi tiêu thụ.

“Gia đình tôi vừa thu hoạch lứa thanh long ruột đỏ cuối của năm 2019 với sản lượng đạt gần 350kg, bán với giá 20 - 30 ngàn đồng/kg “, anh Bình vui vẻ cho biết.

Khi được hỏi về cách trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ, anh Bình chia sẻ: Thanh long ruột đỏ vốn thuộc họ Xương rồng nên không kén đất. Chi phí ban đầu không nhiều, khoảng 100 triệu đồng/ha, gồm đúc trụ, mua giống và vật tư phân bón. 

Để cây thanh long phát triển tốt và cho trái đạt hiệu quả cao, cần  phải  trồng trên trụ. Trụ trồng thanh long thích hợp nhất là bằng xi măng, dài 2-2,5m, cạnh vuông 10-15cm, chôn trụ xuống khoảng 50cm, phần còn lại của trụ cao 1,5-2m, trụ cách trụ 2,5-3m, khoảng cách này giúp cho người trồng chăm sóc, bón phân và thu hoạch trái dễ dàng. Mỗi trụ xi măng trồng 4 cây thanh long xung quanh.

Sau khi trồng thanh long nên tưới nước định kỳ 1-2 ngày/lần, do thanh long là loại cây không cần nhiều nước nên chú ý tưới trên thân cây, hạn chế tưới vào gốc. Nguồn phân bón chủ yếu là phân hữu cơ, mỗi năm chỉ bón 2 lần theo chu kỳ ra hoa đậu quả của cây (1 lần sau khi thu hoạch xong và 1 lần trước khi cây chuẩn bị ra hoa).

Bên cạnh bán quả, anh Bình còn bán cây giống cho nông dân có nhu cầu trồng thanh long ruột đỏ với giá 10.000 đồng/cây. Anh cho biết, đang cho máy móc san gạt mặt bằng để tiếp tục mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ và trồng xen canh các loại cây trồng khác như cây ớt, bưởi… Đồng thời sẽ phát triển trang trại VAC nhằm tăng thêm thu nhập gia đình cũng như tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động địa phương.

Anh đang thử nghiệm thắp đèn chiếu sáng vào ban đêm để cho cây thanh long ra hoa trái vụ. Ngoài ra, anh cũng xây dựng 1 kho bảo ôn để dự trữ thanh long, vì theo anh Bình, bình thường 1kg thanh long ruột đỏ có giá khoảng 20-30 ngàn đồng nhưng vào dịp lễ, tết, có thể đạt 50-70 ngàn đồng/kg.

“Tôi đang thử nghiệm cách dự trữ thanh long, nếu thành công, lứa thanh long này tôi sẽ bảo quản để có sản phẩm bán vào dịp Tết”, anh Bình tiết lộ.

Theo Hữu Tháng/kinhtenongthon.vn