Chắt chiu nguồn vốn

Chắt chiu nguồn vốn
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) còn nhiều khó khăn, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU đề nghị các địa phương sử dụng nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao.

Lo nhiều tiêu chí
Tính đến nay, huyện Quốc Oai có 16/20 xã đạt chuẩn NTM, còn lại 4 xã Cộng Hòa, Đồng Quang, Đông Yên, Hòa Thạch phấn đấu về đích NTM vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Mạnh Quyền trăn trở, theo Quyết định 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới ban hành có bổ sung thêm 9 tiêu chí đối với huyện NTM nên chặng đường về đích của Quốc Oai còn nhiều khó khăn. Trong đó, huyện còn “trắng” 2 tiêu chí là trung tâm văn hóa – thể thao cấp huyện và tiêu chí có từ 60% trường THPT đạt chuẩn quốc gia trở lên.
Không quá vướng như Quốc Oai, huyện Thanh Trì đến nay đã có 100% xã đạt chuẩn NTM và đang chờ quyết định công nhận huyện NTM của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù vậy, nhiều dự án đầu tư hạ tầng trên địa bàn huyện cũng đang gặp khó khăn về vốn. Theo ông Đặng Đức Quỳnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, hiện nay các dự án hạ tầng giao thông của huyện đang được tập trung đầu tư, trong đó có những dự án đã được triển khai từ giai đoạn 2013 – 2015 được ngân sách TP bố trí kế hoạch vốn hàng năm. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách Nhà nước khó khăn nên TP chưa bố trí đủ vốn thực hiện các dự án này.

Trong năm 2016, các huyện, thị xã và các xã trên địa bàn TP đã tích cực triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Tổng kinh phí đầu tư cho NTM toàn TP năm 2016 là hơn 8.100 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là ngân sách Nhà nước (7.300 tỷ đồng). Lũy kế vốn đã thanh toán các nguồn vốn đến nay đạt trên 80%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP, hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn đầu tư còn chưa đồng đều giữa các địa phương và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Hạ tầng về giao thông nông thôn, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất nhiều nơi còn khó khăn, nhất là ở những vùng xa trung tâm.
Sử dụng hiệu quả đồng vốn
Mạnh dạn đặt mục tiêu cao hơn các địa phương khác và dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM, Hà Nội phấn đấu tới năm 2018 có 80% số xã đạt chuẩn NTM, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh. Với mục tiêu này, các huyện, thị xã cũng phải tăng tốc lộ trình thực hiện của địa phương mình. Bởi vậy, hiện nay, nhiều địa phương đang tích cực triển khai nhiều biện pháp tạo nguồn vốn cho NTM. Đơn cử, tại Quốc Oai, huyện chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư, xây dựng cơ bản năm 2017, tập trung vào các công trình hạ tầng đất dịch vụ, đất đấu giá, các công trình hạ tầng thuộc mục tiêu về đích NTM. Trong tháng 2/2017, huyện đã tổ chức thành công 2 phiên đấu giá đất tại xã Tân Phú và Thạch Thán với số thu đạt 23,8 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải cho biết, trong bối cảnh nguồn ngân sách gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ ngân sách điều tiết từ T.Ư về TP giảm nhưng TP vẫn chủ trương không cắt giảm đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, TP có cơ chế cắt lại 100% tiền đấu giá đất cho các huyện để phục vụ xây dựng NTM. Đặc biệt, nhiều quận cũng đã chung tay chia sẻ kinh phí với các huyện, thị xã. Trong giai đoạn 2010 - 2015, các quận đã hỗ trợ chung sức xây dựng NTM cùng các huyện với kinh phí của 12 quận đã hỗ trợ 4 huyện là 95,5 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến nay có 7/12 quận gồm Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Tây Hồ có văn bản cam kết hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí 70 tỷ đồng.
Cũng theo ông Hà Minh Hải, cùng với hỗ trợ của TP và các quận, các huyện, thị xã cần tiếp tục huy động nguồn lực đóng góp của người dân, DN, bà con xa quê hương, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đặc biệt, để tránh nợ đọng xây dựng cơ bản, các địa phương cần rà soát từng tiêu chí, chắt chiu nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm mới đạt hiệu quả cao.

 

Nguồn: ktdt.vn