Chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản chuyên sâu: Cần những cơ chế đặc thù

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm, thủy sản, trong đó nhấn mạnh đến việc đầu tư phát triển các cơ sở chế biến.
Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Sản xuất, chế biến gỗ Thanh Lâm (huyện Đầm Hà).

Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay trên địa bàn tỉnh có 336 cơ sở chế biến lâm sản được đầu tư thiết bị dây chuyền sản xuất, hoạt động theo mô hình từ chế biến, sản xuất thô tới các nhà máy chuyên sâu. Trong đó, các cơ sở sản xuất gỗ tập trung nhiều nhất tại TX Quảng Yên với 18 cơ sở, TP Hạ Long 13 cơ sở, huyện Hoành Bồ 11 cơ sở, TX Đông Triều 10 cơ sở. Ngoài ra, còn có 171 cơ sở sản xuất đồ mộc, thủ công mỹ nghệ; 6 cơ sở chế biến viên nhiên liệu, viên năng lượng; 3 cơ sở chế biến bột giấy; 8 cơ sở chế biến than củi, than hầm, than hoa; 5 cơ sở sản xuất ván bóc; 36 cơ sở băm dăm mảnh...

Trong lĩnh vực chế biến thủy sản, hiện toàn tỉnh có 5 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu; 3 doanh nghiệp chế biến nước mắm. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tập trung ở mặt hàng đông lạnh, thủy sản khô, với các sản phẩm chủ yếu: Tôm đông lạnh, mực đông lạnh, phi lê cá, chả cá, mực và nhuyễn thể. Tổng công suất kho lạnh của các doanh nghiệp này đạt khoảng 2.700 tấn, công suất cấp đông khoảng 100 tấn sản phẩm/ngày; sản lượng chế biến thủy sản xuất khẩu khoảng 4.500 tấn/năm.

Sản xuất nước mắm tại Công ty CP Thủy sản Cái Rồng (huyện Vân Đồn) hiện vẫn mang tính thủ công.

Bên cạnh những thuận lợi, phát triển kinh tế nông, lâm, thủy sản hiện còn nhiều khó khăn. Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh, hiện cơ sở hạ tầng phục vụ sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển vùng sản xuất tập trung và các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; doanh nghiệp chậm cải tiến thiết bị dây chuyền sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, chế biến; chưa thu hút được nhiều cơ sở, doanh nghiệp tập trung nguồn vốn đầu tư, do đầu tư trong nông nghiệp có nhiều rủi ro, số vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm. Chính sách tín dụng chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô, dẫn đến chậm cải tiến, tiếp thu những công nghệ mới.

Đơn cử, tỉnh đang chỉ đạo phát triển bền vững các sản phẩm OCOP tại các địa phương, nhiều tổ đội sản xuất, HTX, hộ gia đình đã liên kết phát triển sản xuất, muốn thành lập công ty. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất của họ vẫn là vốn, quỹ đất xây dựng cơ sở, nhà xưởng và tiêu thụ sản phẩm.

Bà Phạm Thị Măng, chủ cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản Thanh Măng (huyện Cô Tô), cho biết: Cơ sở mong muốn xây dựng được khu nhà xưởng chế biến thủy sản bằng nhà kính, tận dụng năng lượng mặt trời để sấy khô thủy sản, kết hợp làm khu trưng bày sản phẩm OCOP, tạo thành địa điểm tham quan, trải nghiệm cho khách du lịch. Bà đã mạnh dạn thành lập công ty từ năm 2015, nhưng vì không có địa điểm xây dựng nhà xưởng theo ý muốn, nên chỉ duy trì hoạt động ở mức độ cơ sở chế biến. Hiện Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ có doanh nghiệp đứng ra nhận đầu tư hạ tầng, đã đồng ý cho cơ sở thuê mở xưởng, nhưng thời gian chỉ có 3 năm, giá cho thuê lại cao, trong khi hoạt động chế biến thủy sản chỉ có tính thời vụ. Bà mong chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi giúp vào đây mở xưởng, phát triển sản xuất.

Công ty CP Thủy sản Cái Rồng đã được cổ phần hóa từ những năm 2000, nhưng sau khi cổ phần hóa, công đoạn thu mua nguyên liệu đầu vào, chế biến nước mắm không có đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, dây chuyền sản xuất theo hướng công nghiệp, hiện đại; vẫn giữ lối làm ăn thủ công, truyền thống, chưa mạnh dạn cải tổ. Ông Đào Đức Yêm, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cái Rồng, trăn trở: Đơn vị rất muốn cải tổ, đầu tư phát triển sản xuất, nhưng cơ sở sản xuất của doanh nghiệp nằm trong quy hoạch tuyến đường 58m của Khu đô thị Cái Rồng. Đến nay, Công ty chưa được bố trí vị trí mới để có kế hoạch đầu tư dài hạn, nên chỉ sản xuất lấy công làm lãi theo truyền thống khu vực phía Bắc.

Do không có địa điểm mở xưởng, Cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản Thanh Măng (huyện Cô Tô) đang thực hiện chế biến thủy sản tại nhà, công đoạn truyền thống.

Theo Sở NN&PTNT, tới đây Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở trực tiếp sản xuất nông, lâm, thủy sản; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mô hình doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin.

Để sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh, nhất là đối với các sản phẩm OCOP đã xây dựng thương hiệu OCOP, gắn với hình thành những cơ sở chế biến chuyên sâu, các sở, ngành, địa phương của tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích mở rộng hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết phát triển các doanh nghiệp, HTX chuyên ngành, đa ngành, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm; định hướng, hướng dẫn chuyển đổi HTX theo Luật Hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh liên kết giữa các hộ, nhóm hộ sản xuất cùng loại sản phẩm để nâng cao vị thế, hạn chế bị chèn ép trước các đối tác tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin thị trường, bị ép giá, ép cấp sản phẩm.

Đặc biệt, khuyến khích được nông dân có thể góp cổ phần với doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản bằng giá trị quyền sử dụng đất, trở thành những cổ đông của doanh nghiệp.

Mạnh Trường
https://www.quangninh.gov.vn