Chi cho nông nghiệp đang... giảm dần đều!

Đó là khẳng định của ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội xung quanh câu chuyện xuất khẩu nông sản của nước ta đang có đà tăng trưởng khá.
Ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trong một lần đăng đàn

Song ngân sách đầu tư cho nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng lại không được nhiều mà còn giảm dần đều.

Ông Tiến thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này bằng việc dẫn Nghị quyết 26 Trung ương 7 khóa X về chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đó là, Trung ương Đảng yêu cầu đầu tư cho “Tam nông” 5 năm sau phải gấp 2 lần so với 5 năm trước. Song kết quả này chưa đạt được! Cụ thể, trong giai đoạn 2011 – 2015, đầu tư cho “Tam nông” đạt khoảng 611.000 tỷ đồng (tăng 1,83 lần) so với giai đoạn 2006 – 2010 (tức chưa đạt 2 lần).

Cũng theo ông Tiến, những năm 1980, đầu tư cho nông nghiệp đạt 20% tổng chi ngân sách Nhà nước. Sau này giảm xuống còn 12% và những năm gần đây tiếp tục giảm xuống còn 6%. “Vậy là chi cho nông nghiệp cứ giảm dần đều. Điều này cho thấy đầu tư nông nghiệp của Việt Nam đang ở mức quá thấp”, ông Tiến trầm tư.

Báo chí mấy ngày nay đăng tin kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta tháng 10 ước đạt 2,75 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng này 10 tháng đạt 26,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Đáng chú ý, các mặt hàng nông sản khởi sắc, nhiều sản phẩm phục hồi trở lại góp phần nâng giá trị xuất khẩu. Chẳng hạn, cà phê đạt 1,5 triệu tấn, tăng 40,2% về khối lượng và tăng 25,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; tiêu và điều tăng 35,7% về khối lượng và tăng 15,3% về giá trị. Mặt hàng cao su tăng trưởng trở lại, ước 1 triệu tấn đạt 1,28 tỷ USD (tăng 4,5%).

“Đó là những con số khá ấn tượng. Thế nhưng mỗi khi có biến động về thiên tai và giá cả thì SXNN mà chủ đạo là trồng trọt luôn bị tác động nặng nề, thiệt hại lớn lao nhất, kéo theo những khốn khó cho nông dân”, ông Tiến nói.

Đề cập về những thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, ông Phùng Đức Tiến ngẫm nghĩ rằng nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế thì không sai nhưng nói thế là đang đặt lên vai nông nghiệp một trọng trách khá lớn.

Ông Tiến cho rằng, chủ trương đã hay, Nghị quyết đã rõ, vấn đề lúc này là phải có những hành động thật cụ thể để nông nghiệp có động lực phát triển. Đặc biệt, ngành nông nghiệp phải nhận thấy đặc trưng, đặc điểm của từng vùng để đưa ra lợi thế so sánh. Từ đó có chiến lược cho đầu tư. Chẳng hạn, vùng Đồng bằng sông Cửu Long lâu nay nhắc đến là người ta nghĩ ngay vựa lúa của cả nước, cung cấp hơn 50% sản lượng xuất khẩu gạo.

18-36-07_ong-phung-duc-tien-cho-rng-du-tu-cho-nong-nghiep-qu-thp
Ông Phùng Đức Tiến cho rằng đầu tư nông nghiệp của Việt Nam đang ở mức quá thấp
 

18-36-07_ong-phung-duc-tien-cho-rng-du-tu-cho-nong-nghiep-qu-thp

 

Thế nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhất là tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp như thế thì ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong đó phải xác định lại đâu là mặt hàng nông sản chủ lực (xếp thứ tự 1, 2, 3) của vùng để có lộ trình đầu tư hợp lý. Có như vậy việc thuyết phục kêu gọi nguồn vốn đầu tư sẽ thuận.

“Tôi lấy ví dụ, ĐBSCL giờ không chỉ có lúa gạo mà thủy sản và hoa quả đang lên ngôi đấy. Thủy sản chiếm tỷ trọng xuất khẩu trên dưới 60%; hoa quả chiếm 50%. Như thế là quá lợi thế. Vậy thì phải có một kế hoạch, lộ trình để đáp ứng nhu cầu cũng như đối phó được với biến đổi khí hậu”, ông Tiến gợi mở.

Một nguyên nhân khác khiến cho đầu tư vào trồng trọt chưa được nhiều, theo ông Tiến còn phải kể đến chính sách vĩ mô, đó là vấn đề tích tụ đất đai, đầu tư cho khoa học công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị chế biến, đầu tư nâng cấp hạ tầng bến bãi, kho chứa chưa đâu vào đâu; giá vật tư đầu vào cao trong khi giá sản phẩm nhích lên không đáng kể... Trong 1% tổng số các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thì phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Muốn hút được các tập đoàn lớn thì Nhà nước phải có chính sách sát với thực tế, đáp ứng mong mỏi của nhà đầu tư. Mặt khác, nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn đầu tư, sẵn sàng góp đất, nhường đất, cho thuê đất và thuê đất để tạo ra những vùng sản xuất lớn”, ông Tiến nhấn mạnh và cho rằng, nông nghiệp nước ta đã trải qua các thời kỳ “tư duy cũ, cách làm cũ đến tư duy mới cách làm cũ”. Muốn đột phá thì phải tư duy mới, cách làm mới.

Điều ông Tiến trăn trở là phải làm thế nào để thời gian tới Nhà nước phân bổ vốn đầu tư cho nông nghiệp, nhất là lĩnh vực trồng trọt một cách thỏa đáng, không thể cứ đà giảm dần đều. Cho nên “Muốn tái cơ cấu thành công, phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng thì phải nhìn nhận rằng cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào đầu tư. Ở đây, đầu tư cho nông nghiệp chí ít phải đảm bảo được như Nghị quyết của Đảng đã đề ra”, ông Phùng Đức Tiến bày tỏ.

10 triệu hộ nông dân trong nước đang phải tự nỗ lực

Một nghiên cứu mới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong năm 2015, tỷ trọng hỗ trợ nông dân của Nhà nước trong tổng nguồn thu của người sản xuất giai đoạn 2011-2013 tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ... chiếm 55 - 60%. Riêng ở Việt Nam, mức hỗ trợ của Nhà nước chưa đến 10%. Như vậy 10 triệu hộ nông dân trong nước đang phải tự nỗ lực chiến đấu với nhiều thách thức trong thời gian tới.

TN

 

VĂN HÙNG (GHI)
Nguồn: NNVN