Chìa khoá tạo động lực cho làn sóng khởi nghiệp
- Thứ năm - 14/09/2017 11:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chiều ngày 14/9, tại Diễn đàn Kinh doanh 2017, với chủ đề "Đón nhận thế giới đang thay đổi" do Tạp chí Forbes tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, các chuyên gia nhận định, mặc dù các chính sách của Chính phủ là một trong những chìa khoá tạo động lực cho làn sóng khởi nghiệp, nhưng có một chìa khoá quan trọng không kém là yếu tố đổi mới sáng tạo; trong đó, Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp như dân số trẻ, tinh thần khởi nghiệp cao, đội ngũ lao động đang tăng trưởng...
Dẫn chứng cụ thể, các chuyên gia chỉ ra rằng, hiện nay trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp thành công không phụ thuộc vào cơ chế chính sách của Chính phủ mà nhờ vào sự chăm chỉ và những sáng kiến, ý tưởng mới.
Các đối tượng này khởi nghiệp không có vốn, gia đình hậu thuẫn hay Chính phủ hỗ trợ, nhưng đã thành công khi bắt đầu tìm kiếm cơ hội với những ý tưởng sáng tạo và ứng dụng công nghệ; đồng thời, mọi nguồn vốn đều "chạy theo" những đổi mới sáng tạo và nhà đầu tư luôn ưu tiên lựa chọn các sáng kiến mới.
Theo bà Somhatai Panichewa, Chủ tịch Amata Việt Nam, bên cạnh các cơ chế chính sách, cần phải tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực, con người và đầu tư cho lĩnh vực giáo dục...; trong đó, nên có những giải pháp kết nối doanh nghiệp và nhà trường, để mang công nghệ đến với các nhân tài, từ đó mới thương mại hoá ý tưởng, tạo ra những vườn ươm và lên sàn giao dịch.
Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng, tập trung phát triển những ý tưởng mới, thoát khỏi tư duy truyền thống sẽ giúp Việt Nam có những công ty đa quốc gia của Việt Nam.
Đặc biệt, các ý tưởng phải phục vụ cuộc sống, kiểm soát giá cả, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường....
Ngoài ra, Chính phủ có những chính sách hỗ trợ thôi thì chưa đủ, mà cần đổi mới chiến lược, định hướng phát triển, tạo môi trường thuận lợi hơn để thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch TBS Group cho biết, để tập dụng cơ hội từ cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 trong ngành sản xuất phải dựa trên nền tảng là tình hình thực tế của trình độ khoa học công nghệ, tài chính, hạ tầng, năng lực công nhân... mà doanh nghiệp hiện có.
Tất cả các ngành công nghiệp đều xoay quanh vấn đề hình thành chuỗi giá trị gia tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Riêng đối với ngành công nghiệp thời trang là hàng thiết yếu nên muốn tham gia khởi nghiệp và áp dụng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo, phần mềm tích hợp để tạo ra những sản phẩm cạnh tranh.
"Việt Nam là quốc gia trẻ, có 60% dân số trẻ và có giáo dục. Tuy nhiên, trước cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, những công nghệ mới đang thay đổi việc làm, nếu không có sức mạnh ý tưởng và sáng kiến mới sẽ khó tạo ra động lực phát triển", ông Nguyễn Đức Thuấn nhấn mạnh.
Mỹ Phương/TTXVN