Chiếc áo mới sau 10 năm sáp nhập
- Thứ sáu - 20/07/2018 00:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều mô hình hiệu quả
Từ trung tâm Thủ đô Hà Nội, đoàn chúng tôi đi về phía cầu Chương Dương, xuôi theo đường 5 kéo dài khoảng 30km là đến địa phận huyện Mê Linh. Men theo trục đường chính là những vườn hoa đủ sắc màu, đủ loại, trong đó phổ biến nhất là hoa hồng. Tỉ mỉ chăm chút những chậu hoa hồng thế trong khu vườn rộng 6.000m2, anh Phạm Đức Tài, chủ nhà vườn Tài Lý (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) phấn khởi chia sẻ: Cách đây 5 năm, nhờ sự động viên, hỗ trợ của xã, của huyện về giống, vốn, gia đình anh đã quyết định chuyển đổi từ trồng hoa hồng cắt cành sang trồng hoa hồng thế, hoa hồng cảnh.
Từ những gốc tầm xuân có tuổi cây từ 3-5 năm, anh Tài ghép thêm những mắt ghép là các giống hoa hồng ngoại được nhập từ Thái Lan, Nhật Bản… cho ra những cây hoa có nhiều màu sắc và độ bền lâu hơn, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện nay, những chậu hoa hồng thế của anh Phạm Đức Tài được xuất đi khắp cả nước, cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng mỗi năm.
Anh Phạm Đức Tài (phải), xã Mê Linh đang giới thiệu vườn hoa hồng của gia đình |
Mô hình trồng hoa hồng thế của anh Phạm Đức Tài là kết quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà huyện Mê Linh đang triển khai. Ông Tạ Quang Thái, Chủ tịch UBND xã Mê Linh cho biết, sau khi sáp nhập về Thủ đô, xã được quan tâm, đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp. Là địa bàn có truyền thống trồng hoa hồng, xã Mê Linh đã được UBND huyện hỗ trợ triển khai mô hình trồng hoa hồng thế thay cho hoa hồng cắt cành. Đến nay, xã đã chuyển đổi được 10,5 ha, đồng thời nhân rộng đến các xã khác như Liên Mạc, Thanh Lâm, Tiền Phong… Hiệu quả bước đầu của mô hình này rất rõ nét, khi cho thu nhập bình quân 160 triệu đồng/sào/năm, cao gấp hơn 10 lần so với trồng hoa cắt cành (12 triệu đồng/sào/năm) và cao gấp hàng trăm lần so với trồng lúa.
Tiếp tục hành trình trên quê hương của Hai Bà Trưng, đoàn chúng tôi đến với xã Kim Hoa, một trong những xã khó khăn khi mới về với Thủ đô. Nhưng hôm nay, đường làng ngõ xóm đã được bê tông hóa, nhà cửa khang trang, sạch đẹp, chiếc xe 50 chỗ chở chúng tôi chạy thẳng ra khu vườn trồng đào, quất, bưởi phục vụ Tết của gia đình anh Ngô Văn Thuận (chủ nhà vườn Thuận Thành) mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Những câu chuyện của anh Thuận về việc trồng cây, ghép quả càng khiến chúng tôi bất ngờ hơn. Xuất phát từ đam mê và hỗ trợ của UBND xã, anh Ngô Văn Thuận đã mạnh dạn thuê đất của các hộ dân với diện tích trên 2 ha để trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi cảnh.
Sau hơn 5 năm, vườn cây ăn quả của gia đình anh cho thu nhập bình quân gần 500 triệu đồng/năm, ngoài ra, còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 5 - 10 lao động với mức lương từ 200 - 500 nghìn đồng/ngày. “Riêng đối với cây bưởi diễn, vào tháng 7 hàng năm, chúng tôi tiến hành ghép quả cho cây, thường thì tỷ lệ thành công đạt trên 50%. Sau đó, tùy theo thị hiếu của khách hàng, chúng tôi sẽ tiếp tục ghép phật thủ, cam,... dịp Tết, 100% cây trong vườn đều có khách đến mua với giá thấp nhất là 1 triệu đồng/cây, còn với một số cây thế đẹp, có khách đã trả hơn 40 triệu đồng”, anh Thuận chia sẻ.
Mô hình bưởi ghép của gia đình anh Ngô Văn Thuận xã Kim Hoa |
Ông Lê Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa cho biết, khi về với Thủ đô, xã được Thành phố quan tâm, đầu tư toàn diện thông qua chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ nét.
Từ chỗ có tới trên 20% hộ nghèo, thu nhập bình quân chỉ vỏn vẹn 11 triệu đồng/người/năm (thời điểm năm 2008), đến nay, xã chỉ còn 2,5% hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ, mỗi thôn đều có nhà văn hóa, khu tập luyện thể thao, nhân dân rất phấn khởi.
Thúc đẩy địa phương phát triển
Từ một huyện thuần nông, hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu thốn, chưa có trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND và các cơ quan thuộc huyện, đến nay, diện mạo của Mê Linh có nhiều đổi thay rõ nét, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của huyện được quan tâm đầu tư khá đồng bộ. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, trong 10 năm qua, nguồn lực đầu tư cho các ngành, lĩnh vực trọng tâm của huyện lên tới 3.563 tỷ đồng, trong đó, trên 1,3 nghìn tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo; trên 1,1 nghìn tỷ đồng đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông…
Nhờ đó, một số công trình quan trọng đã được đưa vào sử dụng, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội và thay đổi hoàn toàn diện mạo của huyện, như: Trụ sở làm việc của huyện và các cơ quan với diện tích trên 40 ha; đường trục trung tâm đô thị mới Mê Linh; tuyến đường 35; đường Quốc lộ 23B; đường hành lang đê tả sông Hồng; tuyến đường 24km khu trung tâm hành chính huyện Mê Linh và nhiều tuyến đường khác về các xã trên địa bàn.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội là Bệnh viện Đa khoa huyện, quy mô 200 giường bệnh, kinh phí đầu tư 457 tỷ đồng, với nhiều trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân; là xây mới, cải tạo, nâng cấp 71 trường học, xóa bỏ 224 phòng học tạm, phòng học xuống cấp gắn với đầu tư, trang bị cho các trường nhiều thiết bị dạy và học hiện đại… góp phần nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia từ 20% (năm 2008) lên gần 62% như hiện nay.
Đặc biệt, trong công tác xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, trong 7 năm qua, huyện đã huy động các nguồn lực được trên 2,4 nghìn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, nhờ đó, bộ mặt nông thôn của Mê Linh có nhiều khởi sắc, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa sạch sẽ; trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang; xây dựng nhà văn hóa đến từng thôn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân; giao thông, thủy lợi nội đồng được cứng hóa, phục vụ sản xuất nông nghiệp… Đến nay, toàn huyện đã có 12/16 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 35,3 triệu đồng/năm, gấp 3,2 lần so với năm 2008 (11,04 triệu đồng/người/năm).
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, những năm qua, huyện Mê Linh cũng đặc biệt quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Tự hào là vùng đất đế đô thời Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, nơi đây vẫn còn lưu giữ được 179 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, trong đó, có Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Hai Bà Trưng cùng 25 di tích quốc gia, 48 di tích được xếp hạng cấp Thành phố.
Những thành tựu trong 10 năm qua của Mê Linh là minh chứng rõ nét cho chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đã được triển khai hiệu quả. Đây cũng là động lực để Mê Linh tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 15 của Quốc hội, trước mắt là tập trung xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.
Theo: Hoàng Phúc/laodongthudo.vn