Chiến lược nội hóa bò ngoại - Kỳ 3: ‘Đại gia’ sẽ thay đổi nông nghiệp

Chiến lược nội hóa bò ngoại - Kỳ 3: ‘Đại gia’ sẽ thay đổi nông nghiệp
Gil Inbar, người Israel đã từng làm việc ở rất nhiều nơi trên thế giới và hiện đang là Giám đốc dự án của Công ty CP chăn nuôi Gia Lai (Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) cho biết, HAGL có lợi thế rất lớn để nuôi bò nói chung và bò sữa nói riêng.
 
Bán phân bò có thể giúp HAGL thu tiền tỉ khi đàn bò phát triển lên 300.000 con vào năm 2017 - Ảnh: Lương Thiện

Nhận xét này đi ngược với luồng ý kiến hiện nay cho rằng Việt Nam không có lợi thế để chăn nuôi bò. Vậy Việt Nam có lợi thế hay bất lợi để phát triển ngành công nghiệp bò là câu hỏi cần được nghiêm túc xem xét để có chiến lược phát triển đúng đắn.
 
Quy mô, công nghệ...
 
Theo Gil Inbar, lợi thế thứ nhất của HAGL là khí hậu. Khí hậu đóng vai trò rất quan trọng trong chăn nuôi bò sữa bởi tập tính của bò là ưa lạnh, mát. Khi thời tiết mát mẻ bò sẽ cho nhiều sữa hơn. "Đặc biệt, trang trại này được bao quanh bởi núi nên môi trường hết sức trong lành" - Gil nói. Lợi thế thứ hai là đất, vì có quỹ đất lớn nên tập đoàn kiểm soát hoàn toàn về thức ăn thô xanh và chất lượng của thức ăn. Trang trại nuôi bò, trồng cỏ, nhà máy... đều nằm tập trung nên chi phí vận chuyển (chiếm khá lớn trong tổng chi phí của doanh nghiệp) được tiết giảm tối đa. Gil nhận định: "Với lợi thế này, quy mô này và dự kiến còn mở rộng thêm nữa thì khả năng làm chủ trong ngành công nghiệp bò của tập đoàn là rất lớn”.
 
Hiện tổng đàn bò của HAGL là 120.000 con. Theo kế hoạch đến năm 2017 sẽ tăng lên 300.000 con. Theo tính toán với đàn bò 300.000 con, tập đoàn sẽ thu về từ 900 tấn cho đến 1.500 tấn phân/ngày, tương đương hàng tỉ đồng. Hiện mỗi ngày tập đoàn thu 200 - 300 triệu đồng từ việc bán phân bò.
 
Còn nhớ, khi lý giải về sự sụt giảm của đàn bò trong nước và chuyện người Việt ăn thịt nhập ngày càng tăng, nhiều ý kiến cho rằng do chúng ta không có lợi thế về đồng cỏ, thức ăn... và buộc phải chấp nhận kết quả này. Điều này không sai, bởi thực tế, nuôi bò ở Việt Nam vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống, tận dụng các phụ phẩm thức ăn và đặc biệt quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún nên không thể cạnh tranh được. Nhưng "chấp nhận" kết quả này hay không lại là việc khác.
 
Tiềm năng của thị trường nội cộng với tầm nhìn dài hạn, hàng loạt "đại gia" đã đổ vốn vào nông nghiệp trên khắp các mặt trận, từ nuôi bò, trồng rau, mía đường, cao su, thức ăn gia súc... Theo đánh giá của TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trong một lần trả lời phỏng vấn trên Báo Thanh Niên, các đại gia chính là người sẽ thay đổi "cuộc chơi trong nông nghiệp". Bởi những dự án của họ đều làm trên quy mô lớn, họ sẽ làm thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp mà bao nhiêu năm nay Bộ NN-PTNT vẫn loay hoay. Vì sản xuất nông nghiệp mà cứ làm cá thể, làm nhỏ thì không có cách nào chuyển đổi cơ cấu được. Vấn đề quan trọng thứ hai là các tập đoàn này kiểm soát được chất lượng sản phẩm mà người nông dân làm ra. Trước đây, các hộ nông dân làm thì mỗi người một tí, chất lượng không đồng đều nhưng doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, có quản trị thì chất lượng đảm bảo, đồng đều. Ngoài ra, với lợi thế về mối quan hệ, các tập đoàn này có điều kiện tiếp xúc đối tác, tiếp xúc các thị trường bên ngoài, biết cách thức xúc tiến thương mại, định hướng được thị trường nên đầu ra không bấp bênh như số phận nông sản Việt lâu nay.
 
Con bò hạnh phúc và đáp án lợi thế
 
Cánh đồng cỏ cao ngang người, xanh mướt ngay dưới cái nắng còn khá gay gắt của trời Tây nguyên những ngày đầu tháng 9 có thể khiến nhiều người kinh ngạc. Nhưng nếu đã chứng kiến những cánh đồng mía, cao su, cọ dừa... của HAGL vẫn tươi tốt ngay trong khí hậu khô rang của Lào, Campuchia vì được tưới nhỏ giọt theo công nghệ Isarel thì chúng ta sẽ hiểu, những khó khăn của ngành nông nghiệp hiện tại có thể khắc phục bằng cơ giới hóa, bằng áp dụng công nghệ cao ở mọi quy trình, mọi khâu đoạn trong nuôi, trồng, chế biến, phân phối sản phẩm.
 
Israel là minh chứng điển hình nhất. Là đất nước ở Trung Đông, khí hậu vô cùng khắc nghiệt với 70% diện tích lãnh thổ là sa mạc, còn lại là đồi núi đá trọc nhưng lại khiến thế giới phải ngả mũ khâm phục vì có nền nông nghiệp tiên tiến nhất. Chỉ có 1,7% dân số làm nông nghiệp nhưng mỗi năm Israel xuất khẩu trên dưới 3,5 tỉ USD nông sản, là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Kết quả đó cho thấy, nông nghiệp công nghệ cao có thể tạo ra nguồn lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp, giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế và thay đổi số phận của người nông dân.
 
Tính đến thời điểm hiện tại, các "đại gia" chuyển hướng sang nông nghiệp đều đi theo hướng này. Một ngày sau khi chúng tôi rời Gia Lai, một đoàn chủ lò mổ ở nhiều tỉnh, thành đã lên thăm trang trại của HAGL để tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất, công nghệ, nguồn và chất lượng bò, năng lực nuôi và vận chuyển của tập đoàn này. Một chủ lò mổ kể, anh đã từng bầm dập vì nguồn cung bò Úc không ổn định. Bữa đó lò của anh đã nhận đặt hàng của tất cả các đầu mối nhưng đến sát giờ tập kết bò đến lò, đột nhiên được báo bò Úc không về kịp khiến anh trở tay không kịp. Những chuyến viếng thăm thế này để các chủ lò yên tâm về nguồn cung, về chất lượng, về uy tín và để hai bên hiểu, yên tâm trong việc phối hợp với nhà sản xuất. Phát triển hệ thống lò mổ vệ tinh là một trong những mục tiêu quan trọng của HAGL để đáp ứng nhu cầu thịt bò cho thị trường.
 
Theo nguyên tắc của Úc, con bò từ khi sinh sản cho đến khi hóa kiếp phải được đối xử nhân đạo, không đánh đập, không bỏ đói, không có những việc làm cho nó không hạnh phúc. Ngay cả khi hóa kiếp, phải dùng một loại súng bắn cho con bò chết lâm sàng mà không đau đớn. Giết mổ đúng quy trình, con bò được mổ treo nên vệ sinh an toàn đảm bảo. Hiện HAGL đang liên kết với một số lò mổ mở một trung tâm giết mổ cực lớn ở Đồng Nai. Mô hình này quy tập các lò nhỏ trong khu dân cư, gom lại một chỗ để kiểm soát được hết quy trình, ngăn chặn được việc bơm nước, thực hiện giết mổ nhân đạo để bạn hàng lấy thịt và người tiêu dùng yên tâm.
 
Việt Nam là nước nông nghiệp, các đại gia đang hào hứng với nông nghiệp, nhà nước cũng dành mọi ưu tiên để phát triển nông nghiệp. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra lợi thế để có một nền nông nghiệp công nghệ cao như nhiều quốc gia đã thành công.
 
 
Nguyên Khanh (Báo Thanh Niên)