Chiến thắng nhờ sức mạnh toàn dân

Chiến thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là tổng hợp của sức mạnh toàn dân, toàn quân trên nhiều mặt trận khác nhau, từ đất liền đến hải đảo. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trò chuyện cùng PGS-TS. Lê Kế Lâm - nguyên Phó Tham mưu trưởng tác chiến Hải quân, Chủ tịch Hội Khoa học - kỹ thuật và Kinh tế biển TP. Hồ Chí Minh về những ký ức trước và sau 30/4/1975.
Phóng viên báo Công Thương tặng báo cho GS-TS. Lê Kế Lâm

Dưới góc độ một nhà quân sự, theo ông, những yếu tố quyết định nào đã tạo nên chiến thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước?

Dù không tham gia trực tiếp nhưng với kinh nghiệm tham gia tác chiến nhiều năm, tôi cho rằng, để có chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 có 3 yếu tố quan trọng nhất. Thứ nhất, là sự lãnh đạo sáng suốt và quyết đoán của Đảng, Bộ Chính trị. Thứ hai, chúng ta huy động được lực lượng toàn dân tham gia với sự chuẩn bị từ trước. Ngay từ cuối năm 1973 chúng ta đã chuẩn bị tổng động viên để thực hiện nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chịu trách nhiệm Trưởng ban Tổng động viên. Ngay tại Sài Gòn - Gia Định lực lượng tình báo, biệt động, bộ đội địa phương, lực lượng dẫn đường... cũng đóng vai trò rất quan trọng. Đây là lực lượng tại chỗ có sự chuẩn bị kỹ càng, phối hợp với quân chủ lực tạo nên sức mạnh toàn dân, một lòng kiên quyết giải phóng miền Nam. Thứ ba, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Cuộc tổng tấn công mùa Xuân năm 1975 trên các mặt trận được báo chí đề cập hầu như diễn ra trên đất liền, rất ít nói đến lực lượng hải quân. Ông có đánh giá như thế nào vai trò của Hải quân Việt Nam lúc đó?

Tôi cho rằng, trong chiến thắng mùa Xuân năm 1975, lực lượng hải quân đóng vai trò quan trọng khi phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng chiến đấu để giải phóng các đảo của quần đảo Trường Sa có ý nghĩa chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cụ thể, tháng 4/1975, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định điều động 4 tàu chiến 673, 674, 675 và 641 của Trung đoàn 125 cấp tốc cơ động vào cảng Đà Nẵng, nhận nhiệm vụ chính là chở bộ đội đặc công của Đoàn 126 Hải quân và lực lượng vũ trang khác ra giải phóng quần đảo Trường Sa.

Ngày 11/4, các lực lượng của ta bí mật xuất phát từ Đà Nẵng giải phóng đảo Song Tử Tây đầu tiên khiến lực lượng phòng thủ của đối phương trên toàn quần đảo Trường Sa hoang mang, dao động, tạo điều kiện cho ta giải phóng tiếp các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa lớn. Việc giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa từ quân đội Sài Gòn đóng giữ trở thành một hướng tiến công chiến lược trên biển.

Trọn đời sống trong quân ngũ, chiến đấu vì độc lập dân tộc, ký ức nào sâu đậm nhất mà ông không thể quên?

Đó là hình ảnh những nữ dân quân chở đò đưa chúng tôi vượt sông Bến Hải và hình ảnh người mẹ xã Vinh Quang Thượng, huyện Gio Linh (Quảng Trị) trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 mà tôi trực tiếp tham gia.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thả thủy lôi đánh tàu địch trên bờ Bắc sông Thạch Hãn, chúng tôi phải băng qua làng mạc, vượt hàng rào Macnamara để vượt sông Bến Hải trở về. Đến bờ Nam sông Bến Hải, các nữ dân quân là những người chèo đò chở chúng tôi vượt sông hô khẽ “chuẩn bị vượt sông”. Tôi không hề thấy chiếc đò nào? Đang hoang mang thì thấy mấy nữ dân quân ra một khúc sông, lấy đò được giấu dưới nước, nghiêng hắt nước và giục chúng tôi lên rồi chèo qua sông rất nhanh.

Hình ảnh thứ hai là người mẹ xã Vinh Quang Thượng tại ngôi nhà mà chúng tôi trú ẩn chờ đêm đến vượt sông trở về. Ban ngày chúng tôi nằm dưới hầm trong nhà, trực thăng của địch lượn vè vè trên mái nhà và vác loa hỏi “có Việt Cộng trong nhà không?”. Chúng tôi bàn nhau, nếu địch phát hiện sẽ bung hầm chạy ba hướng nhưng mẹ nói “Yên tâm để mạ lo”. Khi trực thăng bay thấp ngoài cửa, người mẹ ra ngoài hiên khua khăn rằn ý nói không có Việt Cộng. Lính trên trực thăng yêu cầu tháo mành tre ngoài cửa xuống, bà mẹ phải dùng dao chặt đứt dây mành, địch ngó qua không thấy ai liền bỏ đi…

Hình ảnh bà mẹ Việt Nam anh hùng thật bình dị nhưng cũng thật thông minh, kiên cường in đậm mãi trong tâm trí tôi.

Ông cảm nhận như thế nào về sự đổi thay của miền Nam sau 43 năm giải phóng?

Đưa TP. Hồ Chí Minh vượt qua khó khăn của những năm đầu sau giải phóng, phải nói đến vai trò to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc đó là Bí thư Thành ủy). Ông đã mạnh dạn cải cách, cho phép thu mua gạo từ miền Tây theo giá thị trường đưa về thành phố, đáp ứng nhu cầu lương thực của người dân. Và cho đến ngày nay, TP. Hồ Chí Minh đã chuyển mình mạnh mẽ, đổi mới và là trung tâm kinh tế hàng đầu của đất nước. Đó là một sự đổi thay kỳ diệu!

Xin cảm ơn ông!