Chính phủ chỉ ưu tiên đầu tư 6 khu kinh tế
- Thứ ba - 10/07/2012 21:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hôm 10-7, Bộ KH-ĐT đã mời lãnh đạo 15 địa phương có KKT ven biển về họp để thông báo yêu cầu rà soát và tiêu chí lựa chọn các KKT ưu tiên.
Lý do của việc này là tình trạng phát triển các KKT quá nóng trong vài năm trở lại đây nhưng quy hoạch chưa phù hợp, xây dựng thiếu đồng bộ... dẫn đến quá trình thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp, làm lãng phí đồng vốn đầu tư hạ tầng của nhà nước khiến dư luận liên tục lên tiếng.
Sau đợt giám sát của Quốc hội mới đây về hiệu quả đầu tư ở KKT, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH-ĐT rà soát lại việc đầu tư vào các KKT, dừng thành lập thêm các KKT và phải lựa chọn được KKT ưu tiên để nhà nước rót vốn ngân sách, thay vì rót tràn lan như thời gian trước.
Ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, nói: “Thủ tướng đã chỉ đạo phân bổ vốn ngân sách năm 2012 phải tạm dừng phân bổ vốn cho KKT để rà soát, xây dựng được bộ tiêu chí. Đến khi có tiêu chí mới thực hiện giải ngân”.
Do vậy, khoảng 2.300 tỉ đồng vốn cho KKT ven biển năm nay dự kiến sẽ có 65% dành cho 6 KKT được ưu tiên và 35% còn lại cho 14 khu không ưu tiên.
Theo ông Thắng, qua thực tiễn hoạt động của các KKT, có thể thấy rằng các KKT này muốn phát triển phải thuân lợi trong giao thông và vận chuyển hàng hóa, trong đó yếu tố hàng đầu là cảng biển và sân bay. KKT Dung Quất, Chu Lai, Nghi Sơn, Vũng Áng đã thu hút đầu tư tốt hơn các khu khác nhờ các yếu tố này. Vị trí của các KKT cũng có vai trò khá quan trọng. Nếu KKT ở gần trung tâm kinh tế của vùng, của địa phương sẽ là những điều kiện tốt để phát triển mạnh hơn.
Trên cơ sở đó, Bộ KH-ĐT dự tính đưa ra 5 tiêu chí để chọn KKT ưu tiên: 1/ Vị trí chiến lược KKT đối với phát triển vùng, 2/ Kết quả thu hút đầu tư, 3/ Các dự án động lực của KKT, 4/Cảng hàng không thuận lợi, 5/ Cảng biển thuận lợi.
Theo tiêu chí này, các KKT được chọn gồm KKT Chu Lai- Dung Quất (Quảng Nam- Quảng Ngãi), KKT Đình Vũ- Cát Hải (Hải Phòng), KKT đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (Kiên Giang), KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa) và KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Bộ KH-ĐT cũng giải thích rằng, việc xác định nhóm các KKT ưu tiên không có nghĩa là loại trừ các KKT còn lại, mà thực chất là giải pháp lựa chọn phân kỳ đầu tư với nguồn lực hạn hẹp hiện có. Các KKT nằm ngoài danh sách ưu tiên sẽ được dành một phần ngân sách để hoàn thiện một số công trình hạ tầng, đồng thời yêu cầu các địa phương cần chủ động và năng động hơn, không chỉ trông chờ vào ngân sách như tình trạng ỷ lại từ trước đến nay.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều địa phương, nhất là lãnh đạo các địa phương có KKT ven biển không được chọn trong danh sách ưu tiên (như Nghệ An, Trà Vinh, Cà Mau, Bình Định), đề xuất rằng không nên giới hạn số lượng 6 KKT ưu tiên mà nên mở rộng hơn nữa. Cũng có địa phương đề nghị bộ phải xem xét tiềm năng phát triển của các KKT dù hiện tại đang đầu tư dở dang (như KKT Vân Đồn, KKT Cà Mau)…
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ KH- ĐT cho rằng các địa phương cần đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, nhất là trong điều kiện ngân sách eo hẹp và hiệu quả đầu tư các KKT còn kém như hiện nay, không thể mở rộng hoặc dàn trải được. Bộ cũng lưu ý tiêu chí quyết định để việc phát triển KKT có hiệu quả hay không không phải là trông chờ vào ngân sách trung ương mà là sự năng động trong điều hành, thu hút đầu tư của địa phương
Theo TBKTSG Online