Chính phủ họp bàn các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
- Thứ hai - 18/03/2019 05:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành nêu ra các khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực, dự án cụ thể và đề xuất các biện pháp tháo gỡ để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng ngay từ quý đầu của năm.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, đánh giá cao các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sản phẩm từ cuộc làm việc hôm nay sẽ là một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan soạn thảo sớm chỉ thị này để có thể ban hành ngay trong tuần này. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu đưa ra các đầu việc cụ thể để giải quyết, “không phải nói chung chung”, nhằm khắc phục khó khăn, tập trung tháo gỡ cho SXKD, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng sáu tháng và cả năm 2019.
Trước tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, trong nước gặp một số khó khăn, thách thức, Thủ tướng cho rằng, kỳ vọng hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng không hề đơn giản, do đó, không được chủ quan, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, nhất là Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ để thúc đẩy xử lý, giải quyết mạnh mẽ hơn, ý chí mãnh liệt hơn, hành động hiệu quả hơn. Tinh thần là phối hợp, đoàn kết xốc tới nhằm đạt mục tiêu đề ra của năm nay, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.
Trước hết, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, không được để chậm trễ, không để tình trạng “ngâm lâu”, giữ một số quy định gây ách tắc, khó khăn cho SXKD. Có một số nghị định cần làm ngay, như Nghị định về quy hoạch hay đầu tư xây dựng. “Thể chế là số một, cần rà lại, cụ thể hóa vấn đề này, có danh mục kèm theo”, Thủ tướng nói.
Thứ hai, cần khắc phục tồn tại, yếu kém trong khâu phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng đề nghị mở một số hội nghị về các vùng kinh tế trọng điểm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể đối với các “cực tăng trưởng” quan trọng này, chứ không phải chỉ “họp để bàn, để biết”. Thủ tướng yêu cầu tập trung giải ngân 100% vốn đầu tư công. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo trực tiếp đến từng dự án giải ngân chậm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đôn đốc, báo cáo kịp thời vấn đề này lên Chính phủ định kỳ hằng tháng, nếu cần thiết thì thành lập tổ công tác để đôn đốc, kiểm tra vấn đề này.
Bảo đảm tăng trưởng tín dụng cần thiết phục vụ hoạt động SXKD. Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch cụ thể, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, phân bổ ngay đến từng ngân hàng thương mại có nhu cầu cấp bách. Đối với nông nghiệp, cần tập trung dập dịch tả lợn châu Phi, giải quyết thị trường xuất khẩu cho sản phẩm gạo, thực phẩm, trái cây, thủy sản, đặc biệt chú trọng vấn đề cá tra, phấn đấu xuất khẩu nông sản tối thiểu bằng mức Chính phủ đã giao là 43 tỷ USD.
Về công nghiệp, xây dựng, tài nguyên môi trường, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thúc đẩy ngay các dự án công nghiệp, cả khởi công mới và đẩy nhanh tiến độ dự án hiện có, kịp thời tháo gỡ những dự án chậm trễ, tồn tại kéo dài. Về giao thông vận tải, tập trung triển khai ngay các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn, ấn định thời gian cụ thể. Bộ trưởng Giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo có lộ trình rút ngắn hơn, hiệu quả sớm, trong đó sớm khởi công đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tập trung giải ngân tất cả các nguồn vốn đã phân bổ.
Về các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, cần rà soát, cắt giảm các loại phí liên quan. Các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục cắt giảm gánh nặng chi phí SXKD cho doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất hơn nữa. Các bộ đều phải trình chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Sự trì trệ của một số sở, ban, ngành, một số cục, vụ làm ảnh hưởng sự phát triển. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND phải có biện pháp cụ thể để xử lý vấn đề này, nhất là TP Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm”, Thủ tướng nói. Các ngành, các địa phương phải tạo môi trường kinh doanh tốt hơn nữa, thuận lợi hơn nữa, loại bỏ các rào cản gây khó dễ, chậm trễ, vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm. Mọi nguồn lực cần được tập trung thu hút cho phát triển, tăng trưởng.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của truyền thông, thông tin, một mũi quan trọng để tạo niềm tin cho nhân dân, không để thông tin xấu, độc ảnh hưởng sự phát triển của đất nước, của doanh nghiệp. Thủ tướng kỳ vọng, các giải pháp trên được triển khai hiệu quả, đồng bộ, kịp thời, cả phía cầu và phía cung, thì có thể đạt mức tăng trưởng GDP hơn 7%.