Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách, quy định mới về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực lâm nghiệp là: Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ; phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp.

 

Cùng với đó, rà soát quy hoạch rừng, duy trì hợp lý diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng, phát triển và khai thác có hiệu quả, bền vững rừng nguyên liệu tập trung. Tăng cường bảo vệ rừng, vùng sinh quyển gắn với phát triển du lịch. Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng rừng kinh tế, trồng rừng gỗ lớn. Phấn đấu đến năm 2017 có 235 nghìn ha rừng sản xuất có thể khai thác sản phẩm.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và tam nông

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và tam nông. Ảnh minh họa

Về tái cơ cấu và nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và bảo vệ, phát triển rừng đã phát triển sản xuất lúa dưới hình thức hợp tác liên kết, cánh đồng lớn ở 43 địa phương với trên 120 nghìn ha; chuyển đổi gần 90 nghìn ha đất trồng lúa sang trồng mầu hiệu quả cao hơn; phát triển đàn bò sữa hơn 200 nghìn con. Ban hành các chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững. Chủ động phòng chống dịch bệnh, kiểm soát dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, bảo đảm an toàn thực phẩm

Về hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ nông dân, ngư dân, di dân tái định cư, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ đã ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách, quy định mới về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ: Lãi suất vay vốn trong thu mua lúa gạo tạm trữ; giảm tổn thất trong nông nghiệp; khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ hậu cần trên các vùng biển xa; tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn; giống cây trồng để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mầu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020.

Đối với quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, đẩy mạnh thông tin truyền thông, phối hợp chặt chẽ trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; tăng cường kiểm tra, thanh tra. Đã ban hành 123 quy chuẩn kỹ thuật, 200 tiêu chuẩn Việt Nam và đang xây dựng 117 quy chuẩn kỹ thuật, 194 tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến vật tư nông nghiệp.

Đổi mới phương thức quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp. Chỉ đạo thực hiện xây dựng mô hình điểm chuỗi thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn tại các địa phương. Đến nay, 61/63 tỉnh, thành phố đã thành lập chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản; một số chi cục đã thành lập đơn vị cung ứng dịch vụ kiểm nghiệm và tư vấn về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Hệ thống thanh tra chuyên ngành được thành lập và đi vào hoạt động ở hầu hết các địa phương.

Gia Bách
Theo vietq.vn