Chính sách bảo hiểm: Hướng tới đối tượng nghèo, cận nghèo
- Thứ ba - 09/08/2016 04:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
27.043 tỷ đồng là tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả bồi thường cho khách hàng trong năm 2015. Thông qua các loại hình bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đã góp phần quan trọng thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Bảo hiểm nông nghiệp là một trong những giải pháp hỗ trợ tài chính, ổn định sản xuất và đời sống nông dân. Ảnh: Giang Sơn
Thời gian tới, Ngành Tài chính tiếp tục triển khai các loại hình bảo hiểm theo hình thức tự nguyện có sự hỗ trợ của ngân sách địa phương và hướng tới đối tượng nghèo, cận nghèo. Đây là những thông tin đáng chú ý tại cuộc họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức chiều 8-8, tại Hà Nội.
Đến cuối năm 2015, toàn thị trường bảo hiểm nước ta có 60 doanh nghiệp và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoạt động. Tổng tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm đạt 202.558 tỷ đồng, tăng 190% so với năm 2011. Tổng doanh thu toàn thị trường đạt 84.506 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lĩnh vực này đã đầu tư trở lại nền kinh tế 160.466 tỷ đồng (tăng 192%)... Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011-2015, thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng 16,8%/năm; tạo việc làm cho khoảng 585.000 lao động. Không chỉ đạt các mục tiêu trung hạn của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011- 2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kết quả trên còn cho thấy, doanh nghiệp bảo hiểm đã góp phần ổn định nền kinh tế và có vai trò quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội.
Trong giai đoạn thí điểm (2011-2013), với 3 sản phẩm bảo hiểm cây lúa, bảo hiểm vật nuôi và bảo hiểm thủy sản (tôm, cá), lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp đã hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo; hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân cận nghèo; 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân và 20% phí cho tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia. Triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ, tính đến ngày 30-6-2016, đã có 28/28 tỉnh, thành phố ven biển phát sinh doanh thu phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên, với tổng giá trị ước đạt 37.412 tỷ đồng. Việc triển khai loại hình bảo hiểm này đã tạo điều kiện, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển.
Bên cạnh việc triển khai bảo hiểm vi mô để cung cấp cho người nghèo, người có thu nhập thấp, với đặc điểm phí thấp, sản phẩm đơn giản, dễ hiểu, các doanh nghiệp còn tích cực triển khai bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn con người. Hiện, có gần 10 triệu người có bảo hiểm y tế, sức khỏe; 12 triệu học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn...
Kiến nghị tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp
Tại cuộc họp báo chiều 8-8, trả lời câu hỏi về việc "có hay không hiện tượng độc quyền triển khai bảo hiểm tàu cá của Bảo Việt?" - ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) khẳng định: Việc phê duyệt Bảo Việt tham gia loại hình bảo hiểm này là căn cứ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, quy định các tiêu chí về năng lực tài chính cũng như mạng lưới rộng khắp của doanh nghiệp để triển khai.
Khám, điều trị cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế tại Bệnh viện mắt trung ương. Ảnh: Hữu Oai
Hiện các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ triển khai chương trình thí điểm bảo hiểm tàu cá, gồm: Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xăng dầu, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam và một doanh nghiệp tái bảo hiểm là Tổng công ty Tái Bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VINARE). Như vậy, không có tình trạng Bảo Việt độc quyền lĩnh vực này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànôịmới xung quanh con số tổng số phí bảo hiểm nông nghiệp qua 3 năm thí điểm loại hình này chỉ có 394 tỷ đồng nhưng tổng số tiền bồi thường lên tới 712,9 tỷ đồng, liệu có xảy ra tình trạng trục lợi? Sau khi xảy ra tình trạng lỗ nặng, tới đây bảo hiểm nông nghiệp có tiếp tục triển khai, khi nước ta hiện có tới hơn 70% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu... - ông Nguyễn Quang Huyền cho biết: Qua giai đoạn thí điểm, có thể khẳng định bảo hiểm nông nghiệp là chính sách lớn, cần thiết và đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta.
Sáu tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 38.613 tỷ đồng, tăng 25,92% so với cùng kỳ năm 2015. Các doanh nghiệp đã chi trả quyền lợi bảo hiểm 16.045 tỷ đồng và đầu tư trở lại nền kinh tế 171.171 tỷ đồng.
Đây là một trong những giải pháp hỗ trợ tài chính, ổn định sản xuất và đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Có thể thấy tỷ lệ bồi thường rất lớn do năm đầu tiên triển khai, các doanh nghiệp tham gia chương trình dễ dàng ký hợp đồng tái bảo hiểm với các doanh nghiệp nước ngoài theo thông lệ của Ngành Bảo hiểm. Song do đây là loại hình bảo hiểm có độ rủi ro cao, tới năm thứ hai, các doanh nghiệp tái bảo hiểm không tiếp tục ký kết hợp đồng, khiến tổn thất không thể san sẻ, đẩy chi phí bồi thường tăng cao.
"Hiện Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xin ý kiến các địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai loại hình này theo hướng: Không giới hạn đối tượng được bảo hiểm, không giới hạn địa bàn triển khai và thực hiện bảo hiểm nông nghiệp trên cơ sở tự nguyện, có sự hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm của ngân sách địa phương theo nguyên tắc tự cân đối nguồn, bảo đảm tập trung hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế là các hộ nghèo, cận nghèo" - ông Nguyễn Quang Huyền nhấn mạnh.
Hương Ly
theo Hà Nội Mới